“Văn hóa xin lỗi” của người Nhật

Tại Nhật Bản, lời xin lỗi được người dân quốc gia này sử dụng khá thường xuyên, có thể nghe thấy ở mọi nơi, thậm chí để thay cho một lời cảm ơn. Người Nhật cho rằng đây là một hành động thể hiện sự lịch sự, phép tắc, lễ nghĩa tối thiểu trong văn hóa giao tiếp của “xứ Phù Tang”.

Xin lỗi là nét văn hóa đặc trưng của người dân Nhật Bản. Ảnh: GETTY IMAGES
Xin lỗi là nét văn hóa đặc trưng của người dân Nhật Bản. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo trang South China Morning Post, trong ngôn ngữ Nhật Bản có rất nhiều từ, cụm từ mang ý nghĩa xin lỗi và lời xin lỗi mang nhiều sắc thái khác nhau. Xin lỗi lịch sự, xin lỗi vì vấn đề nghiêm trọng, xin lỗi với thái độ hối lỗi, xin lỗi vì muốn khiêm nhường, xin lỗi nguyên câu, hoặc xin lỗi dạng lược bớt khi trong mối quan hệ thân mật... Nó có thể được dùng để thể hiện sự khiêm tốn hay trong nhiều trường hợp là tự trách. Trên thực tế, lời xin lỗi dường như đã trở thành một phần của cuộc sống nơi đây. Có ít nhất 20 cách khác nhau để thể hiện lời xin lỗi, thí dụ như đưa một bàn tay lên trán khi bạn lách qua đám đông...

Văn hóa xin lỗi của người Nhật Bản thể hiện đức tính khiêm tốn, được đánh giá rất cao ở “xứ sở hoa anh đào”. Việc xin lỗi chưa hẳn là việc nhận mình sai mà có khi nó thể hiện thái độ tích cực, cầu tiến, có ý thức trách nhiệm. Dù có lý do như thế nào đi nữa thì ban đầu họ vẫn nhận lỗi về mình. Để mắc sai lầm là lỗi của chính bạn chứ không phải ai khác. Erin Niimi Longhurst, tác giả của cuốn sách rất thú vị về văn hóa Nhật Bản có tên là “Japonisme” cho biết: “Văn hóa xin lỗi luôn đi kèm với văn hóa cảm ơn”. Nếu bạn còn nhớ đến mùa World Cup năm 2018, khi đội tuyển Nhật Bản thua trận cuối cùng, họ đã dọn dẹp toàn bộ phòng thay đồ và để lại một lời nhắn cảm ơn. Hành động này đã được nhiều tờ báo đưa lên trang nhất như một minh chứng cho văn hóa lịch sự, văn minh của người Nhật.

Nhật Bản là một trong những quốc gia có mật độ dân thành phố cao nhất trên thế giới. Đặc biệt là ở các đô thị lớn với không gian sống trung bình cho mỗi người là 22 m2 ở các thành phố và chỉ 19 m2 tại Thủ đô Tokyo. Khi không gian trở nên chật chội, sự tôn trọng không gian của người khác trở nên cần thiết tại quốc gia này. Longhurst khẳng định: “Có một sự tôn trọng nhất định đối với không gian của người khác tại Nhật Bản. Khi bạn đi vào một ngôi nhà, bạn luôn phải cởi giày bởi sự tách biệt giữa bên ngoài và bên trong. Ngoài ra, hãy bày tỏ một thái độ xin lỗi vì đã vào không gian của người khác”.

Văn hóa xin lỗi của người Nhật bắt nguồn từ “chánh niệm”, trong Phật học được định nghĩa là sự thức tỉnh, biết sống hòa hợp với chính mình và thế giới chung quanh. Nhiều nghi thức trong văn hóa Nhật Bản đòi hỏi sự nhận thức về mối quan hệ giữa con người và thế giới chung quanh. Trong nghệ thuật pha trà và thưởng thức trà đạo, người Nhật không chỉ pha trà mà còn phải “cảm nhận” được không gian bên cạnh mình. Đó có thể là những bông hoa trong góc phòng nói cho bạn biết về các mùa và bức thư pháp trên tường nói cho bạn còn nhiều điều hơn thế. Mọi thứ đều xoay quanh sự nhận thức của bạn giữa không gian và điều đó có được thông qua việc bạn tiếp xúc với người khác.

Hidetsugu Ueno, chủ sở hữu một quán bar tại Nhật Bản, nghiên cứu sâu về khái niệm này cũng nhận định rằng, “chánh niệm” là một phần trong văn hóa xin lỗi ở Nhật Bản và đi đôi với sự đồng cảm. “Tất nhiên chúng tôi sẽ không nói xin lỗi khi không cần thiết. Nhưng chúng tôi luôn đặt mình vào vị trí người khác và cảm thấy tiếc cho họ, vậy nên chúng tôi nói xin lỗi để bày tỏ cảm xúc của mình”. Trên thực tế, “chánh niệm” cũng bắt nguồn từ sự thấu hiểu cảm xúc của người đối diện.

Sẽ không cường điệu khi nói rằng ở Nhật Bản, lời xin lỗi được xem như một liều thuốc chữa bách bệnh. Ngôn ngữ vừa là công cụ giao tiếp, vừa là tấm gương phản chiếu văn hóa. Lời xin lỗi chính là cánh cửa để bước vào một nền văn hóa lịch thiệp, tôn trọng và đầy đạo đức.