Văn hóa đặc sắc của người Ainu

Người Ainu thuộc số ít tộc người bản địa định cư sớm nhất ở Hokkaido, hòn đảo phía bắc Nhật Bản. Lâu nay, nhiều nhà nhân chủng học đã quan tâm nghiên cứu, đồng thời kêu gọi bảo tồn những bản sắc văn hóa, tín ngưỡng, ngôn ngữ của tộc người này. Bên cạnh những di sản văn hóa đặc sắc như nghề thủ công mỹ nghệ, trang phục hay âm nhạc dân gian, độc đáo nhất phải kể tới các hoạt động gắn bó với tự nhiên như lễ hội Marimo và tập tục nuôi gấu.

Lễ hội tảo cầu Marimo của người Ainu. Ảnh: JANESCO TRAVEL
Lễ hội tảo cầu Marimo của người Ainu. Ảnh: JANESCO TRAVEL

Nhiều học giả tin rằng, người Ainu là hậu duệ của một dân tộc bản địa từng xuất hiện khắp phía bắc châu Á. Ban đầu, cuộc sống người Ainu dựa vào săn bắn, hái lượm và câu cá như nhiều người bản địa trên khắp thế giới. Họ chủ yếu định cư dọc theo bờ biển phía nam Hokkaido, nơi có khí hậu ấm hơn và thuận tiện cho việc trao đổi, buôn bán với các tộc người khác. Nhưng sau khi Nhật Bản tiến hành cải cách mang tên “Minh trị duy tân” năm 1869, người dân từ khắp nơi trên đất nước bắt đầu di cư đến Hokkaido. Bên cạnh đó, nhiều hành vi phân biệt đối xử đã buộc người Ainu phải chuyển về sống ở vùng núi ở khu vực trung tâm.

Ông Kunihiko Yoshida, GS ngành Luật tại Đại học Hokkaido cho biết: “Sau nhiều thay đổi chính trị, người Ainu không còn đánh bắt cá hồi hoặc săn hươu mà phải làm nông nghiệp. Ngoài ra, họ phải học và nói tiếng Nhật, dần dần những nét văn hóa truyền thống độc đáo biến mất. Hiện nay, phần lớn dân số Ainu vẫn còn nghèo và nhiều nơi chưa được tiếp cận những tiện nghi cơ bản, trong khi phần lớn di sản của tổ tiên họ dần mai một”. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, chính quyền, các nhà nghiên cứu cũng như cộng đồng bắt đầu quan tâm, tìm hiểu văn hóa Ainu. Tháng 4-2019, người Ainu được chính phủ công nhận là một trong số những tộc người bản địa của Nhật Bản.

Nằm cách trung tâm TP Sapporo, thủ phủ của đảo Hokkaido khoảng 40 phút đi xe, trung tâm Sapporo Pirka Kotan (còn gọi là “Trung tâm quảng bá văn hóa Ainu”) được mở cửa vào năm 2003 để đón tất cả du khách trong và ngoài nước đến tham quan, đồng thời quảng bá về văn hóa của tộc người Ainu rộng rãi hơn. Tại đây, du khách có thể ghé các bảo tàng, là nơi bảo quản đồ tạo tác, quần áo và vật dụng truyền thống… Trung tâm cũng là nơi tổ chức hội thảo về nghề thêu, chế tác nhạc cụ, biểu diễn múa và âm nhạc truyền thống Ainu. “Trong văn hóa của chúng tôi, tập tục nuôi gấu là độc đáo nhất, xuất phát từ tín ngưỡng của tổ tiên. Người Ainu bắt những con gấu từ khi còn nhỏ và nuôi chúng như một thành viên trong gia đình. Mọi người đều tin linh hồn của gấu, con vật linh thiêng mà chúng tôi tôn thờ như một vị thần, sẽ mang sự may mắn đến cho cộng đồng”, bà Kimiko Naraki (70 tuổi), hiện làm hướng dẫn viên tại trung tâm chia sẻ.

Ngoài ra, người Ainu cũng có nhiều sự kiện quan trọng khác gắn với tự nhiên như lễ hội tảo cầu Marimo tại hồ Akan, hay lễ hội tưởng nhớ tổ tiên Shakushain ở thị trấn Shizunai… Lễ hội Marimo bắt đầu được người Ainu tổ chức vào năm 1950 nhằm bày tỏ sự biết ơn vị thần của hồ Akan đã ban các phước lành. Họ chọn “marimo” (một loại tảo mầu xanh hình cầu) từ hồ Akan, mang nó đến một túp lều rơm và để ở đây qua đêm cùng các vật tế như cá hồi, bánh gạo. Ngày hôm sau, các bô lão sẽ đặt marimo trên điện thờ để thực hiện nhiều nghi lễ. Sau cùng, họ mang marimo diễu hành qua thị trấn và đi thuyền thả nó xuống hồ Akan.

Mới đây, khu phức hợp mới mang tên “Không gian tượng trưng cho sự hòa hợp dân tộc” đã được xây dựng ở thị trấn Shiraoi. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, sự công nhận gần đây của cộng đồng đối với người Ainu thông qua công trình này là chưa đủ. Điều cần hơn cho người Ainu là được chính phủ xác định đầy đủ các quyền lợi, nghĩa vụ theo pháp luật.