Thị trấn không rác thải

Thị trấn Kamikatsu ở tỉnh Tokushima là địa phương đầu tiên ở Nhật Bản theo đuổi thực hiện chính sách “không rác thải”, với tỷ lệ tái chế lên tới 81% tổng số rác. Hiện nay, cư dân thị trấn đã phân loại rác thành 45 loại thuộc 13 nhóm và hướng đến xử lý hoàn toàn rác thải mà không cần đến lò đốt hoặc bãi chôn lấp.

Trạm xử lý rác thải ở Kamikatsu được giữ gọn gàng, hợp vệ sinh. Ảnh: NIPPON
Trạm xử lý rác thải ở Kamikatsu được giữ gọn gàng, hợp vệ sinh. Ảnh: NIPPON

Một báo cáo của Bộ Môi trường Nhật Bản cho thấy, tổng lượng rác thải ở nước này trong năm 2016 là 43,2 triệu tấn và gần như chỉ giảm được một lượng rất nhỏ so 43,9 triệu tấn rác vào năm 1980. Trong giai đoạn phát triển kinh tế, các nhà quản lý ở “đất nước mặt trời mọc” đã phải đứng trước bài toán xử lý lượng rác thải khổng lồ này và chỉ có một cách khả thi lúc đó là xây dựng các lò đốt. Hầu như không có một cách thức nào khác có thể xử lý đủ nhanh để giải quyết lượng rác thải ra mỗi ngày.

Tuy nhiên, cư dân thị trấn Kamikatsu đã đi tiên phong trong triển khai xử lý chất thải từ những năm 90 của thế kỷ trước. Kết quả này cũng xuất phát từ địa hình tự nhiên của thị trấn, do các ngôi làng của Kamikatsu nằm rải rác trên một khu vực rộng lớn, với 85% diện tích là núi rừng. Khoảng 800 hộ gia đình tập hợp thành 55 khu dân cư, nằm ở các khu vực có độ cao từ 100 đến 800 m so mực nước biển. Với điều kiện tự nhiên như vậy, việc mua xe chở rác để thu gom và tập kết về lò đốt rác tại đây rất tốn kém. Do đó, chính quyền Kamikatsu đã quyết tâm biến nơi đây thành một “thị trấn tái chế”.

Năm 1995, Kamikatsu bắt đầu hỗ trợ tài chính cho người dân mua máy xử lý rác thô tại gia đình. Sáng kiến này cho phép mỗi hộ gia đình có thể mua máy với chi phí chiết khấu đáng kể và đã có tới 97% hộ dân ủng hộ và thực hiện. Đây là một tỷ lệ “trong mơ” vào thời điểm đó để có thể xử lý rác thô ngay từ các hộ gia đình. Năm 1997, Nhật Bản ban hành luật về việc tái chế bao bì và thùng chứa ở cấp quốc gia và người dân Kamikatsu đã nghiêm túc chấp hành quy định này. Thị trấn thực hiện khẩu hiệu coi rác cũng là một loại “tài nguyên” và yêu cầu người dân tự giao các loại rác đã phân loại cho trạm xử lý rác của thị trấn.

Ngày nay, trạm xử lý rác thải Hibigaya đã trở thành biểu tượng của chiến dịch “không rác thải” ở Kamikatsu. Khác với suy nghĩ về một nơi tập kết rác thải bừa bộn, trạm xử lý Hibigaya luôn được giữ gìn gọn gàng, ngăn nắp và hợp vệ sinh. Tại đây, các hộp phân loại được ghi rõ tên mỗi loại “tài nguyên” có thể thu thập được từ rác. Kim loại thì có đồng, nhôm, sắt...; còn giấy cũng chia làm nhiều loại chất liệu khác nhau, như loại dễ phân hủy, loại có thể tái sử dụng… Trạm cũng đặt các bảng biển chỉ dẫn những vật liệu nào có thể tái chế thành cái gì, đặt ở đâu cũng như mức giá được trả cho những vật liệu đó. Đặc biệt là tất cả các biển báo và đồ đạc tại đây đều được làm từ vật liệu tái chế.

Cùng với việc phân loại, giá bán của rác thải trên thị trường cũng ngày càng cao. Riêng việc bán rác thải như giấy hoặc kim loại đã mang lại nguồn thu khá cao hằng năm, qua đó bù đắp chi phí xử lý rác thải của thị trấn. Bà Sakano Akira, Chủ tịch Học viện Zero Waste (NPO) có trụ sở ở Kamikatsu cho biết, việc phân loại càng chi tiết thì quá trình tái chế càng đạt hiệu suất cao, thí dụ kim loại được phân thành năm loại, nhựa thành sáu và giấy thành chín loại. Chỉ một số rất ít chất thải phải đốt, trong đó có các vật liệu như PVC, cao-su, tã dùng một lần và các sản phẩm vệ sinh phụ nữ.

Bà Sakano cho biết: “Hiện, chúng tôi hướng tới tăng năng suất tái sử dụng và giảm thiểu chất thải để loại bỏ việc đốt rác”. Từ năm 2017, Kamikatsu đã bắt đầu cung cấp tã vải trong một năm đầu cho các gia đình có trẻ sơ sinh ở địa phương. Không như tã dùng một lần phải đốt bỏ, tã vải có thể được giặt và tái sử dụng. Theo bà, thành công của dự án “không rác thải” ở Kamikatsu đến từ sự ủng hộ của toàn bộ cư dân thị trấn. “Người dân đã tham gia từng công đoạn của việc phân loại và tái chế rác thải. Chính ý thức cộng đồng đã mang lại cho thành công của dự án”, bà chia sẻ.