Những trái tim nhân ái ở Mezen

Tại thị trấn Mezen, phía bắc nước Nga, sáng kiến giúp những người cao tuổi tiếp cận công nghệ được hưởng ứng tích cực trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Với lực lượng tình nguyện viên chính là các học sinh, dự án còn tạo ra không gian giúp tăng cường kết nối giữa các thế hệ.

Một cụ ông tại Mezen đánh cờ trực tuyến với các học sinh. Ảnh: WORLD NEWS
Một cụ ông tại Mezen đánh cờ trực tuyến với các học sinh. Ảnh: WORLD NEWS

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Nga, học sinh ở Trường THPT mang tên A.Tortsev ở vùng viễn bắc Mezen lạnh giá hằng tuần vẫn đều đặn tổ chức các hoạt động tập thể như đánh cờ, đọc thơ, diễn kịch, học nghề thủ công... cho những người già và người khuyết tật tại Trung tâm Dịch vụ xã hội Mezen. Buổi hòa nhạc chào mừng năm mới hằng năm là sự kiện được các em học sinh chuẩn bị cầu kỳ nhất để dành tặng các cụ ông, cụ bà tại trung tâm.

Đầu năm 2020, khi dịch bệnh bắt đầu lan rộng tại Nga, chính quyền Mezen lập tức áp dụng biện pháp phong tỏa đối với cơ sở chăm sóc nhóm người dễ bị tổn thương này, khiến các cuộc tiếp xúc trực tiếp tại trung tâm phải tạm dừng. Hơn 40 ca nhiễm trong tổng số hơn 8.000 người dân toàn vùng là con số rất nhỏ trong gần hai triệu ca bệnh trên toàn nước Nga, song chính quyền thị trấn vẫn kiên quyết thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Trong bối cảnh mới, các em học sinh tình nguyện tại Mezen đã phát triển dự án “Trái tim nhân ái” nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của những người cao tuổi và người tàn tật trong vùng, giúp họ thích ứng hơn với điều kiện cách ly xã hội, cũng như tạo cơ hội để họ giao tiếp và trao đổi với thế giới bên ngoài.

Sự kiện lớn đầu tiên của “Trái tim nhân ái” được các bạn trẻ tại Mezen tổ chức là buổi hòa nhạc nhân Ngày Quốc tế người cao tuổi hôm 1-10 vừa qua, phát trực tuyến từ hội trường lớn của nhà trường. Cũng trong khuôn khổ sáng kiến, các học sinh đóng vai “thầy, cô giáo” hướng dẫn những người cao tuổi và người khuyết tật tiếp cận các kiến thức mới trong thời đại kỹ thuật số, từ nâng cao kỹ năng sử dụng máy tính, đến việc đăng ký và tham gia các mạng xã hội, cũng như các sự kiện ở định dạng trực tuyến. Hai hình ảnh quen thuộc ở các buổi học này là nhóm những người cao tuổi cặm cụi ghi chép các bước thao tác với máy tính vào sổ tay, trong khi ở đầu cầu bên kia là nhóm các bạn trẻ say sưa “giảng bài”.

Trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti, điều phối viên của dự án “Trái tim nhân ái” Ludmila Tarunova cho biết, chương trình nhận được khoản tài trợ tương đương 2.500 USD từ một cuộc thi sáng kiến tình nguyện trong các trường học tại Nga. Khoản tiền không nhiều, đủ để bổ sung một bộ máy tính mới cho các em học sinh và một màn hình lớn cho các cụ cao tuổi, song là sự ghi nhận bước đầu của cộng đồng đối với nỗ lực gắn kết giữa các thế hệ trong đại dịch tại vùng cận Bắc cực xa xôi của Nga. Sự giao lưu này có tác động tích cực đối với sức khỏe thể chất, tinh thần của những người già và người khuyết tật, đồng thời giúp các bạn trẻ nhận thức rõ hơn vai trò của bản thân trong cộng đồng.

Nhằm giúp đỡ người già vượt qua thời gian đại dịch, nhiều chương trình tình nguyện khác cũng được hưởng ứng khắp các vùng lãnh thổ của Nga. Một dự án tình nguyện tương tự “Trái tim nhân ái” đã được triển khai tại làng Miasskoye, tỉnh Chelyabinsk, với các buổi đào tạo được tổ chức trực tuyến. Cư dân cao tuổi vùng nam dãy núi Ural này được tham gia các lớp học kỹ năng, từ việc làm chủ điện thoại thông minh, bảo mật tài chính, tới sử dụng máy khắc laser, máy in 3D cũng như học các nghề thủ công truyền thống để kiếm thêm thu nhập tại nhà. Trong khuôn khổ chương trình “Đồng hành” được hưởng ứng rộng rãi trên toàn Nga, các tình nguyện viên ở từng khu vực tham gia mua thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ thiết yếu cho cuộc sống, thậm chí cả thức ăn cho vật nuôi và đem tới tận nhà giúp những người cao tuổi cần được hỗ trợ…