Nhiều giải pháp giúp đỡ người vô gia cư

Dù có thể còn nhiều xáo trộn thời gian tới, song ít ra, sau bốn năm không nhà cửa, David Brooks đã có việc làm và hiện sống trong nhà lưu động tại một khu vực tương đối an toàn ở San Francisco (Mỹ). Đối với Brooks, cũng như nhiều người nghèo khổ khác, những sáng kiến của các doanh nghiệp xã hội tại “xứ cờ hoa” là rất cần thiết, trong bối cảnh San Francisco đang “vật lộn” với cuộc khủng hoảng vô gia cư ngày càng trầm trọng.

Người vô gia cư ở Mỹ ngày càng nhận được nhiều sự giúp đỡ. Ảnh: WORDPRESS
Người vô gia cư ở Mỹ ngày càng nhận được nhiều sự giúp đỡ. Ảnh: WORDPRESS

Như nhiều cư dân khác, lập trình viên mới vào nghề David Brooks khao khát gia nhập lực lượng lao động công nghệ tại San Francisco, với tư cách là một kỹ sư. Anh tin rằng, sự đồng cảm và khả năng thích ứng khó khăn - những kỹ năng sống được mài giũa trong bốn năm vô gia cư sẽ mang lại cho anh một lợi thế.

Brooks may mắn được truyền đạt các kiến thức về công nghệ thông qua một tổ chức phi lợi nhuận địa phương có tên Code Tenderloin, được thành lập nhằm cung cấp các khóa học về mã hóa, đồng thời giúp đỡ người vô gia cư và các nhóm người dễ bị tổn thương khác tìm việc làm. Chia sẻ trong một buổi dạy kèm cho sinh viên tại văn phòng của công ty công nghệ nằm ở trung tâm thành phố, Brooks cho hay, những khó khăn dành cho người vô gia cư là vô cùng đáng sợ.

Năm 2013, cựu chiến binh Del Seymour quyết định thành lập Code Tenderloin, tổ chức đã hỗ trợ Brooks và cung cấp các cơ hội làm việc khác cho người vô gia cư. Trước đó, sau khoảng 18 năm sống trên đường phố, Seymour quyết định đến Tenderloin, khu vực có các khách sạn bình dân và là “trung tâm” của người vô gia cư tại San Francisco.

Theo Seymour, tổ chức Code Tenderloin đã giúp đỡ 1.500 người, nhưng hiện các khu nhà đã đầy và không còn chỗ để xây dựng những nơi ở mới. “Thách thức lớn nhất với chúng tôi là đưa học viên vào các cơ sở cư trú. Bạn không thể làm việc khi sống bên ngoài”, Seymour cho biết. Người sáng lập Code Tenderloin thừa nhận rất khó để chấm dứt tình trạng vô gia cư, song đang nỗ lực để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

San Francisco đang là một trong những thành phố có giá thuê nhà cao nhất ở Mỹ, trung bình căn hộ một phòng ngủ có giá thuê vào khoảng 3.700 USD/tháng, nhiều hơn gần 1.000 USD so thành phố New York. Các dữ liệu thống kê cho thấy, tháng 1-2019, đã có hơn 8.000 người vô gia cư sống ở San Francisco. Theo Jennifer Friedenbach, Giám đốc điều hành nhóm vận động xã hội Liên minh về vô gia cư, con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng vô gia cư chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”, các tổ chức, doanh nghiệp xã hội tại San Francisco đã và đang triển khai nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả. Lava Mae, một nhóm phi lợi nhuận địa phương, đã điều hành hệ thống phòng tắm và nhà vệ sinh di động cho người vô gia cư. Tổ chức này cũng đã cung cấp 75.000 vòi hoa sen kể từ khi ra mắt vào năm 2014 và hiện mở rộng hoạt động tới Los Angeles, nơi cũng đang gặp nhiều thách thức tương tự. Lava Mae hoạt động với phương châm “nếu bạn không thể giữ mình sạch sẽ, bạn sẽ mất đi giá trị bản thân và không thể tiếp cận các cơ hội mang lại công việc và nhà ở”.

Dù đang đẩy mạnh sáng kiến giúp đỡ người không nhà ở, song Doniece Sandoval, người sáng lập Lava Mae, tin rằng người dân mong chờ sự thay đổi và các biện pháp hỗ trợ một cách có hệ thống, hơn là chỉ dựa vào các doanh nghiệp xã hội. Theo Sandoval, sức mạnh tổng hợp giữa các khu vực công và tư nhân là vô cùng cần thiết.

“Các doanh nghiệp xã hội đã đi tiên phong, đem đến những ý tưởng mới mẻ và các giải pháp linh hoạt hơn để giải quyết các góc độ khác nhau của cuộc khủng hoảng vô gia cư”, Sandoval cho biết. Người sáng lập Lava Mae kỳ vọng giới chức thành phố và đại diện các tổ chức sẽ cùng ngồi thảo luận để tìm ra các biện pháp mới, đáp ứng mong mỏi về một nơi che mưa nắng của người dân.