Nhật Bản nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa

Chính phủ Nhật Bản mới đây đưa ra một gói các chính sách nhằm giảm rác thải nhựa thải trên biển. Trong khi đó, các công ty Nhật Bản đang tìm cách hạn chế, tiến tới không sử dụng nhựa hoặc sử dụng nhựa tái chế trong các sản phẩm.

Xử lý rác thải nhựa tại một nhà máy của Nhật Bản. Ảnh: JAPAN TODAY
Xử lý rác thải nhựa tại một nhà máy của Nhật Bản. Ảnh: JAPAN TODAY

Theo Kyodo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, gói chính sách trên hướng tới mục tiêu cắt giảm lượng rác thải nhựa ra đại dương, thúc đẩy tái chế chai nhựa tại Nhật Bản và ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường biển do hạt nhựa siêu nhỏ. Trong đó, Nhật Bản kêu gọi đẩy mạnh việc sử dụng các vật liệu dễ tiêu hủy trong môi trường tự nhiên.

Chính phủ Nhật Bản cũng đưa ra một chiến lược nhằm giảm đáng kể lượng rác thải nhựa tại nước này. Theo đó, Tokyo đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 25% rác thải nhựa và đến năm 2035, tái chế hoặc tái sử dụng 100% loại rác thải nhựa, bao gồm cả vật liệu được sử dụng trong các thiết bị điện và phụ tùng ô-tô. Chiến lược này cũng yêu cầu các nhà bán lẻ tính phí túi nylon và kêu gọi khách hàng sử dụng túi nylon được làm từ vật liệu dễ phân hủy. Gói chính sách của Chính phủ Nhật Bản cũng đề ra một kế hoạch yêu cầu các công ty giảm lượng vi hạt nhựa sử dụng trong kem đánh răng, sữa rửa mặt và nâng cao ý thức bảo vệ cộng đồng cư dân sinh sống gần sông nhằm giảm lượng rác thải nhựa ra biển.

Các công ty Nhật Bản cũng đồng hành với nỗ lực của Chính phủ. Công ty sản xuất đồ uống Suntory Holdings Ltd của Nhật Bản đã lên kế hoạch sử dụng nhựa tái chế hoặc các chất tổng hợp có nguồn gốc từ thực vật để sản xuất chai nhựa vào năm 2030. Công ty Kirin Beverage Co, một đối thủ cạnh tranh của Suntory, cũng dự kiến bắt đầu sản xuất chai nhựa từ nhựa tái chế cho một số sản phẩm kể từ giữa tháng 6. Tập đoàn Seven & I Holdings Co thông báo chuỗi cửa hàng tiện lợi của tập đoàn này sẽ bắt đầu ngừng sử dụng túi nylon vào năm 2030. FamilyMart Co đã sử dụng các chất tổng hợp có nguồn gốc từ thực vật và có thể phân hủy thay thế cho hộp nhựa để đựng thực phẩm.

Nhật Bản là quốc gia có lượng rác thải nhựa tính theo đầu người lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, và đang thụt lùi so nhiều nước khác trong việc giảm thiểu sử dụng nhựa dùng một lần bất chấp mối quan ngại về ô nhiễm môi trường.