Nhật Bản chống nóng phục vụ Olympic 2020

Trước những dự báo thời tiết nóng nực vào thời gian tổ chức Thế vận hội (Olympic) 2020, Nhật Bản - nước chủ nhà trong kỳ đại hội này đã quyết định thử nghiệm tạo tuyết giả với hy vọng khiến khán giả và các vận động viên (VĐV) cảm thấy dễ chịu hơn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Buổi thử nghiệm tuyết giả ở Tokyo. Ảnh: EPA
Buổi thử nghiệm tuyết giả ở Tokyo. Ảnh: EPA

Theo Japan Times, Olympic 2020 dự kiến diễn ra từ ngày 24-7 đến ngày 9-8 năm sau tại Thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Tuy nhiên, sự nóng bức và ngột ngạt của Tokyo vào mùa hè là vấn đề gây “đau đầu” Ban tổ chức (BTC) Olympic. Thông thường, nhiệt độ ở Nhật Bản vào tháng 7, tháng 8 có thể lên tới 35 độ C, cùng độ ẩm cao 80% sẽ khiến khán giả cũng như VĐV mệt mỏi. Tháng 8 vừa qua, một VĐV người Pháp đã phải nhập viện do bị say nắng và sau đó VĐV này phàn nàn về nhiệt độ nước của bể bơi khi tham dự sự kiện thử nghiệm cho Olympic tại Tokyo. Nhiều VĐV cũng bị ốm trong một cuộc chèo thuyền thử.

Năm 2018, Nhật Bản coi tình hình thời tiết nắng nóng là “thảm họa tự nhiên” khi trong mùa hè này đã có ít nhất 65 người thiệt mạng liên quan nền nhiệt tăng cao chỉ trong vòng một tuần. Không chỉ vậy, tháng 7 vừa qua, theo số liệu thống kê của Bộ Y tế Nhật Bản, đã có hơn 5.000 người phải nhập viện trong một đợt nắng nóng.

Trước những lo ngại nói trên, giới chức Nhật Bản đã đề nghị đưa ra các biện pháp nhằm cải thiện tình hình, đặc biệt trong bối cảnh Olympic 2020 đang tới gần. Một trong những giải pháp mà BTC Olympic đề xuất là sử dụng máy phun tuyết nhân tạo. Ngày 13-9 vừa qua, BTC đã tiến hành thử nghiệm phun tuyết xuống khu vực khán đài một sân vận động trong vòng 10 phút. Theo Reuters, tuyết được tạo bằng máy làm tuyết có công suất một tấn/ngày.

Sau buổi thử nghiệm, ông Taka Okumura, thành viên BTC Olympic Tokyo 2020 cho biết: “Chúng tôi muốn thử mọi phương án để đối phó thời tiết nắng nóng. Kết quả buổi thử nghiệm dù chưa được như mong đợi khi không thể hạ nhiệt độ, nhưng lại mang đến cảm giác thú vị cho khán giả. Các khán giả cũng cảm thấy dễ chịu và mát mẻ hơn khi những bông tuyết chạm vào họ”.

Tuy nhiên, ông Okumura cũng thừa nhận rằng hệ thống tạo tuyết giả sẽ cần một chút điều chỉnh trước khi được đưa vào sử dụng. Bởi trong buổi thử nghiệm, các “khán giả” là các tình nguyện viên đã bị ướt sũng ngay sau khi khoảng 300 kg tuyết giả rơi xuống sân vận động. Không chỉ vậy, mặt sân bị ướt cũng đã khiến một phóng viên trượt ngã. Ông Okumura cho biết, đây chỉ là buổi thử nghiệm đầu tiên và BTC Olympic sẽ hoàn thiện giải pháp này trong thời gian tới.

Dù ông Okumura từ chối tiết lộ khoản chi phí mà Tokyo đầu tư cho dự án tạo tuyết giả phục vụ Olympic, nhưng các quan chức Tokyo thừa nhận rằng các biện pháp nhằm xua tan cái nóng cho Olympic 2020 sẽ làm tăng ngân sách mà nước này chi cho đại hội thể thao lớn nhất thế giới.

Tháng 7 vừa qua, BTC cũng áp dụng nhiều biện pháp khác nhau như phun sương, xây dựng khu nghỉ có mái che và điều hòa nhiệt độ, phân phát nước và túi đá cho khán giả đến xem thi đấu thử nghiệm Olympic. Không chỉ vậy, BTC cũng quyết định các môn thi cần sức bền như chạy marathon sẽ bắt đầu vào lúc 6 giờ sáng để tránh nắng nóng buổi trưa. Các con đường chính trên phần lớn tuyến đường dài 42 km của môn thi này cũng sẽ được trải một lớp nhựa đặc biệt giúp giảm bức xạ nhiệt.

Olympic 2020 tại Nhật Bản sẽ bao gồm 339 nội dung thi đấu, ở 33 môn thể thao khác nhau và hàng chục phân môn. Chính quyền Thủ đô Tokyo đã chi 400 tỷ yên (tương đương hơn ba tỷ USD) để chuẩn bị cho sự kiện thể thao này. Trước những động thái của giới chức Nhật Bản nhằm phục vụ Olympic vào năm tới, Chủ tịch Ủy ban Olympic Thế giới (IOC), ông Thomas Bach đã dành nhiều lời khen ngợi về sự chu đáo, đồng thời bày tỏ lòng tin khả năng sáng tạo của người Nhật sẽ giúp đại hội thể thao lớn nhất hành tinh diễn ra thành công.