Kế hoạch khám phá Mặt trăng của NASA

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang lên kế hoạch trở lại khám phá Mặt trăng vào năm 2024 trong sứ mệnh mang tên “Artemis 3”. NASA ngỏ ý mời các phi hành gia châu Âu tham gia sứ mệnh này.

Tàu vũ trụ Orion tham gia sứ mệnh Artemis 3 của NASA. Ảnh: DW
Tàu vũ trụ Orion tham gia sứ mệnh Artemis 3 của NASA. Ảnh: DW

Phát biểu ý kiến bên lề Đại hội Vũ trụ quốc tế (IAC) lần thứ 70 tại Thủ đô Washington D.C của Mỹ mới đây, Giám đốc điều hành NASA, ông Jim Bridenstine cho biết: “Mặt trăng rất rộng lớn và chúng tôi cần sự hợp tác của tất cả các đối tác quốc tế”.

Cũng có mặt tại cuộc họp báo nêu trên, Giám đốc Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), ông Jan Worner cho biết: “Chúng tôi cũng đang thảo luận với NASA về việc cử các phi hành gia châu Âu tham gia sứ mệnh thám hiểm bề mặt Mặt trăng”. Theo nhận định của ông Worner, các phi hành gia châu Âu có thể sẽ tham gia từ năm 2027 hoặc 2028. Trong khi đó, ông Hiroshi Yamakawa, Chủ tịch Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản cho biết Tokyo cũng muốn tận dụng dự án của Mỹ để tạo ra chương mới trong lịch sử của chính mình, với tham vọng lần đầu đưa các phi hành gia Nhật Bản đáp xuống bề mặt “chị Hằng”.

Theo AP, các chuyên gia Mỹ đang phát triển tàu vũ trụ Orion và trạm vũ trụ mini mang tên Gateway trên quỹ đạo Mặt trăng để sử dụng cho nhiệm vụ thăm dò đầu tiên trong sứ mệnh Artemis 3 vào năm 2024. Chỉ có duy nhất một module trong sứ mệnh này được sản xuất bên ngoài nước Mỹ, do ESA cung cấp.

Trước đó, NASA cho biết sẽ gửi robot mang tên “VIPER” lên Mặt trăng để thăm dò những túi nước ngầm có thể chứa hàng triệu tấn nước đóng băng. Robot VIPER sẽ ghi lại hoạt động trong 100 ngày ở trên Mặt trăng. Thời gian qua, các nhà khoa học coi vấn đề nước trên Mặt trăng là yếu tố quan trọng trong các chiến dịch khám phá không gian dài ngày trong tương lai.