Hồi sinh ngành thủ công mỹ nghệ Morocco

Là một trong những ngành công nghiệp góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế tại Morocco, song thời gian qua, ngành thủ công mỹ nghệ phải đối mặt nhiều thách thức. Chính quyền quốc gia châu Phi này đang triển khai nhiều biện pháp nhằm hồi sinh ngành nghề truyền thống trên.

Nhiều nghệ nhân tại Morocco không có thu nhập trong thời gian qua. Ảnh: AFP
Nhiều nghệ nhân tại Morocco không có thu nhập trong thời gian qua. Ảnh: AFP

Theo Le Monde, Morocco vốn nổi tiếng với những làng nghề thủ công mỹ nghệ như chạm khắc gỗ, đúc đồng, thuộc da, sản xuất đồ trang sức… Khoảng hai triệu người Morocco đang làm việc trong lĩnh vực này (tương đương 20% dân số trong độ tuổi lao động). Ước tính, ngành nghề thủ công mỹ nghệ đóng góp khoảng 7% vào GDP của Morocco. Có thời điểm, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ lên tới hơn 90 triệu euro. 

Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành này đang đứng trước nguy cơ mai một. Ông Mohamed Touel, một nghệ nhân điêu khắc thạch cao nghệ thuật dùng để trang trí cho biết: “Chúng tôi đã phải vật lộn để sống sót vì nhiều thứ đã thay đổi. Các ngành nghề truyền thống đang dần đánh mất vị thế vì những người trẻ tuổi không muốn theo nghề”.

Không chỉ vậy, từ đầu năm nay, đại dịch Covid-19 cũng khiến việc sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ ở Morocco điêu đứng. Tại trung tâm thủ công Oulja ở TP Salé, hầu hết quầy hàng mỹ nghệ đã phải đóng cửa. Thành phố vốn đông đúc tấp nập đã trở nên yên ắng. Việc thiếu vắng khách du lịch nước ngoài, trong khi khách hàng địa phương “có những ưu tiên khác hơn là mua thảm”, đã làm tê liệt hoạt động của các thợ thủ công mỹ nghệ nơi đây.

“Không có sự giúp đỡ, không có hỗ trợ, nghề nghiệp của chúng tôi sẽ biến mất”, ông Youssef Rghalmi, một thợ gốm 49 tuổi khẳng định. Trong phân xưởng gốm của gia đình ông Rghalmi, đất sét đang khô dần và chín nhân viên đã phải nghỉ việc. Đơn đặt hàng gần đây nhất của ông là dành cho một khách hàng ở Pháp, đã bị hủy bỏ vì lệnh đóng cửa biên giới theo chính sách của nhà nước do dịch bệnh. “Chúng tôi bị ảnh hưởng một cách trực tiếp và nặng nề. Ít nhất hai hoặc ba năm nữa ngành nghề này mới có thể trở lại hoạt động bình thường”, ông cho biết.

Theo Rachida Nabati, một nữ nghệ nhân dệt vải thuộc Hiệp hội nữ nghệ nhân TP Salé, số nữ nghệ nhân thuộc hiệp hội này đang giảm dần và hiện chỉ còn 30 người. Thông thường, họ làm việc tám giờ đồng hồ một ngày và được trả khoảng gần 100 euro mỗi tháng, song đại dịch đã khiến họ mất đi thu nhập. Khoảng ba tháng nay, họ không bán được một tấm thảm nào và đang “phải vay tiền người quen để sinh sống qua ngày”. 

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Du lịch và Thủ công mỹ nghệ Morocco, bà Nadia Fettah đã đề ra các biện pháp nhằm hồi sinh ngành nghề truyền thống này, như tạo ra các gian hàng trong siêu thị, nơi người dân vẫn thường tới ngay cả trong thời kỳ giãn cách xã hội. Bà Fettah cho biết: “Mặc dù góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, song các nghệ nhân tại Morocco phải làm việc trong điều kiện bấp bênh, không có bảo hiểm xã hội. Những năm gần đây, lĩnh vực trên đang gặp nhiều khó khăn khi các nghệ nhân phần lớn là người lớn tuổi, trong khi những người trẻ không còn muốn tiếp tục nghề của cha, ông họ. Do đó, chúng tôi đang nghiên cứu nhiều phương pháp để thúc đẩy phát triển ngành nghề trước nguy cơ bị mai một”.

Cũng theo bà Fettah, trong thời đại công nghệ phát triển, internet là một công cụ hỗ trợ hoàn hảo. Vài năm trước, chính quyền Morocco từng tạo một nền tảng kỹ thuật số cho các nghệ nhân, nhưng giới thợ thủ công đã không sử dụng. Với lượng khách du lịch lớn, việc bán hàng trực tiếp tại các chợ thủ công đơn giản hơn. Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, nhiều nghệ nhân đã thử nghiệm bán hàng qua mạng và thu được những kết quả tích cực. 

Trước những thành công bước đầu, Văn phòng Thủ công mỹ nghệ quốc gia Morocco đang tính đến việc mở rộng các ứng dụng mua bán đồ thủ công mỹ nghệ sang châu Âu vào cuối năm nay, cũng như khuyến khích các nghệ nhân tích cực quảng bá trên các trang nền tảng xã hội khác.