Giải pháp ngăn băng tan

Tình trạng Trái đất ấm lên đang khiến tốc độ băng tan ngày một nhanh. Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Scientific Reports cho thấy, việc đưa thú móng guốc lên Bắc Cực có thể cải thiện tình hình này.

Trái đất ấm lên khiến tốc độ băng tan ngày một nhanh. Ảnh: GETTY IMAGES
Trái đất ấm lên khiến tốc độ băng tan ngày một nhanh. Ảnh: GETTY IMAGES

Nghiên cứu đăng tải trên Scientific Reports dự báo, với tốc độ biến đổi khí hậu như hiện nay, nền nhiệt mặt đất Bắc Cực có thể tăng lên đến 7 độ C vào năm 2100 ở nhiều vùng, khiến khoảng một nửa diện tích nước đóng băng tan chảy. Hiện tượng băng tan sẽ làm khí CO2 trong lòng đất suốt hàng nghìn năm nay tràn vào bầu khí quyển, tiếp tục khiến biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng hơn.

Theo nhóm nhà khoa học đến từ Trường đại học Hamburg (Đức), để giảm tốc độ tan chảy của băng vĩnh cửu tại Bắc Cực có thể tăng cường những loài động vật như hươu, nai, ngựa, bò rừng, tuần lộc… lên sống ở vùng băng tuyết. TS Christian Beer, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, cường độ dậm chân của các loài động vật trên có thể giúp nén chặt tuyết xuống mặt đất, qua đó giữ cho lớp băng vĩnh cửu ổn định, không bị tan. Không chỉ vậy, khi những loài động vật sinh sống tại đây, việc chúng di chuyển thường xuyên sẽ giúp trải đều tuyết khắp khu vực. Ước tính, mật độ tuần lộc tại Bắc Cực vào khoảng năm con trên một km². Nếu con số này tăng lên 15 con trên một km², có tới 80% lớp băng vĩnh cửu sẽ được bảo vệ.

Nghiên cứu này được các nhà khoa học bắt tay thực hiện sau khi chứng kiến thử nghiệm của nhà khoa học Sergey Zimov tại thị trấn Chersky, vùng Siberia (Nga). Trong suốt hơn 20 năm qua, ông và con trai là Nikita đã nghiên cứu và phát hiện những ảnh hưởng tích cực của các loài động vật như hươu, nai, ngựa, tuần lộc đối với những khu vực băng tuyết quanh năm.

Các chuyên gia khí hậu đánh giá cao nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường đại học Hamburg. Hiện, các nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu đang tiếp tục đánh giá các khía cạnh khác của dự án này nhằm ứng phó tốt hơn với hiện tượng băng tan.