Dự án “Băng ghế tình bạn” ở Zimbabwe

Khác với suy nghĩ rằng, chỉ tại những nước phát triển mới có người mắc các bệnh về tâm lý, theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ bốn người Zimbabwe thì có một người bị các vấn đề về tâm thần. Các nhân viên y tế nước này đang tạo ra một bước đột phá trong việc điều trị chứng trầm cảm.

Một bệnh nhân (bên trái) trò chuyện với bác sĩ tâm lý. Ảnh: BBC
Một bệnh nhân (bên trái) trò chuyện với bác sĩ tâm lý. Ảnh: BBC

Theo BBC, khoảng 70% dân số Zimbabwe đang phải sống dưới mức nghèo khổ. Nạn đói và thất nghiệp là một trong những nguyên nhân lớn dẫn tới trầm cảm ở nước này. Tuy nhiên, do mê tín và sùng đạo, người dân cho rằng những người mắc bệnh tâm thần là do bị ma quỷ nhập. Vì vậy, các bệnh nhân thường được đưa đến pháp sư chữa trị hay tham gia những buổi trừ tà tại nhà thờ. Điều này khiến tâm lý họ bị ảnh hưởng nặng nề và khiến bệnh tình trầm trọng hơn. Là quốc gia có 15,6 triệu dân, song ước tính hiện chỉ có 13 bác sĩ tâm thần tại Zimbabwe. Trước tình hình đó, TS tâm lý học Dixon Chibanda cùng các cộng sự đã mở phòng khám ở Highfield, một khu ngoại ô nghèo phía nam Thủ đô Harare và cho ra đời dự án “Băng ghế tình bạn”.

Maria Makoni, 49 tuổi, là mẹ của ba đứa con, hiện thất nghiệp và bắt đầu trị liệu hồi đầu năm nay. Bà cho biết: “Trong nền văn hóa của chúng tôi, bạn sẽ bị chế giễu nếu nói về sức khỏe tâm thần của mình. Tôi từng tuyệt vọng trong việc tìm kiếm ai đó để chia sẻ về những vấn đề của bản thân. Cho đến khi nói chuyện với các nhà trị liệu, tôi cảm thấy mình như trút bỏ được phần nào nỗi lòng”. Khi Makoni lần đầu tham gia dự án, bà đã rất ngạc nhiên khi biết có nhiều người cũng gặp phải những vấn đề tương tự.

Theo bà Makoni, trước tiên những người đến phòng khám sẽ được kiểm tra triệu chứng của bệnh thông qua bảng khảo sát gồm 14 câu hỏi, như có bị mất ngủ hoặc có thường lo lắng quá mức không? Sau đó, các bệnh nhân sẽ được chấm điểm dựa theo câu trả lời và những ai có số điểm cao hơn mức giới hạn sẽ được giới thiệu tham gia dự án “Băng ghế tình bạn”. Hầu hết bác sĩ trong dự án này là phụ nữ lớn tuổi. Họ thường được các bệnh nhân gọi bằng biệt danh thân thương là “bà ngoại”.

“Khi các bệnh nhân lần đầu tham gia dự án, chúng tôi sẽ sử dụng biện pháp can thiệp được gọi là “kuvhura pfungwa” (tạm dịch là “khai mở tâm trí”). Họ sẽ ngồi trên băng ghế cùng “bà ngoại” để nói về những vấn đề của mình. Thông qua cuộc nói chuyện, “bà ngoại” sẽ khiến bệnh nhân tập trung vào một vấn đề cụ thể và giúp họ vượt qua những tâm lý e ngại ban đầu. Trong ít nhất sáu buổi trị liệu như vậy, bệnh nhân sẽ được động viên để chia sẻ về tình trạng bệnh của mình, từ đó chúng tôi sẽ đưa ra liệu trình điều trị thích hợp”, TS Chibanda cho biết.

Trước đây, khi dự án được đặt tên là “Băng ghế sức khỏe tâm thần”, không một ai đến tham gia. Nhưng ngay khi được đổi tên thành “Băng ghế tình bạn”, dự án đã nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Những bệnh nhân tham gia điều trị theo phương pháp này ít có suy nghĩ về việc tự tử hơn tới năm lần so trước đó. Bà Sheba Khumalo, một bác sĩ trong dự án đánh giá, đối với một quốc gia mà người dân còn khá cổ hủ như Zimbabwe, việc khiến bệnh nhân mở lòng để nói về sức khỏe tâm thần của chính họ đã là một thắng lợi lớn. Nhiều bệnh nhân trầm cảm tại nước này đã lựa chọn cách tự tử vì không biết chia sẻ những vấn đề của mình với ai.

Kể từ khi ra đời, các “bà ngoại” đã thay đổi cuộc sống của khoảng 27.000 bệnh nhân Zimbabwe bị mắc bệnh trầm cảm cũng như các chứng rối loạn tâm thần khác. Với những thành công kể trên, dự án đã được mở rộng quy mô tới 60 phòng khám trên toàn quốc. Ông Prosper Chonzi, người chịu trách nhiệm y tế của thành phố Harare cho biết: “Dự án này giúp cho dịch vụ y tế có thể tiếp cận được tới mọi đối tượng. Chúng tôi rất vui khi thấy dự án đang được triển khai tại các thành phố khác trong cả nước”. Trong khi đó, các chuyên gia tâm lý cho rằng, “Băng ghế tình bạn” có thể là một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần tại các nước nghèo hoặc đang phát triển trong thời gian tới.