Cuộc thi sắc đẹp độc đáo

Guatemala là một quốc gia được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh đẹp, các di tích khảo cổ quý giá và đặc biệt là nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc. Không chỉ là mái nhà của các tộc thổ dân như Xinka hay Garifuna, quốc gia Trung Mỹ còn lưu giữ được nhiều tinh hoa của nền văn minh Maya nổi tiếng. Cuộc thi sắc đẹp thổ dân chính là một trong những truyền thống tốt đẹp của văn hóa Maya đang được bảo tồn và phát huy.

Nữ hoàng thổ dân (giữa) tham gia lễ hội ở thị trấn Rabinal. Ảnh: THE GUARDIAN
Nữ hoàng thổ dân (giữa) tham gia lễ hội ở thị trấn Rabinal. Ảnh: THE GUARDIAN

Có tới hàng trăm cô gái trẻ tham gia cuộc bầu chọn trở thành “Nữ hoàng thổ dân” trong các cuộc thi sắc đẹp truyền thống được tổ chức hằng năm ở Guatemala. Tuy nhiên, các cuộc thi này không chỉ tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ bản địa, mà còn đề cao các giá trị truyền thống. Về thể thức bầu chọn, các cuộc thi này có vài điểm tương đồng với thi Hoa hậu Hoàn vũ. Tuy nhiên, cuộc thi có nhiều sự độc đáo và khác biệt, như vương miện trao cho những người chiến thắng được trang trí bằng các biểu tượng liên quan văn hóa Maya, chứ không phải là trang sức lấp lánh; các ứng cử viên đều phô diễn những chiếc váy đẹp nhất làm bằng vải dệt thủ công, với hoa văn đặc trưng cho địa phương mình để tham gia cuộc thi…

Ban giám khảo quyết định người thắng cuộc chủ yếu dựa trên kiến ​​thức của các ứng cử viên về văn hóa bản địa và khả năng thuyết trình về di sản đó, hơn là vẻ đẹp hình thể hoặc số đo ba vòng. Trong một cuộc thi năm 2018 tại ngoại ô Thủ đô Guatemala City, thí sinh Angelica Cardona đã gây ấn tượng mạnh với ban giám khảo khi thuyết trình về nghề dệt thủ công Maya: “Nghệ thuật dệt vải đã tạo thành một phần bản sắc người Maya chúng tôi. Tuy nhiên, hiện tại các loại vải công nghiệp giá rẻ đang dần thay thế hàng dệt thủ công. Đây là nguy cơ khiến việc sáng tạo ra các tác phẩm thủ công mai một cùng giá trị văn hóa”. Bài thuyết trình bằng cả tiếng Tây Ban Nha và tiếng thổ dân Maya của Angelica đã giúp cô đứng vị trí thứ hai năm đó.

Cuộc thi sắc đẹp độc đáo ảnh 1

Nữ hoàng của làng Chaquijya và cộng đồng Sololá năm 2018. Ảnh: THE GUARDIAN

Cho tới nay, người Maya vẫn chiếm ít nhất 40% dân số Guatemala. Bởi vậy, mỗi năm có tới hơn 1.000 cuộc thi sắc đẹp được tổ chức tại các thành phố, thị trấn, làng mạc… trên khắp đất nước, đặc biệt những nơi có đông người Maya sinh sống. Các ứng cử viên thường tham gia thi trước một vài ngày hoặc vài tuần để ban giám khảo kịp trao vương miện cho “Nữ hoàng thổ dân” vào đúng dịp lễ hội. Những “Nữ hoàng” luôn là điểm nhấn quan trọng nhất trong các đoàn diễu hành tại lễ hội hằng năm. Theo các tài liệu lịch sử, cuộc thi sắc đẹp thổ dân đầu tiên được tổ chức vào năm 1920 và truyền thống vẫn được duy trì tới ngày nay.

Hiện tại, các nữ hoàng thổ dân còn được coi là đại sứ cộng đồng, đại diện cho hình ảnh và văn hóa địa phương mình. Sau khi đăng quang, “Nữ hoàng thổ dân” sẽ trở thành khách danh dự trong các cuộc thi của địa phương khác và đem theo trang phục cổ truyền, cùng bài phát biểu về truyền thống địa phương mình. Thông thường, các “Nữ hoàng thổ dân” lựa chọn chủ đề phát biểu liên quan quyền phụ nữ hoặc chống phân biệt đối xử. Ngoài việc tham gia sự kiện cộng đồng, các nữ hoàng còn đóng góp cho địa phương theo nhiều cách cụ thể khác nhau. “Nữ hoàng” Odethy Tzep của làng Chuachinup năm 2018 đã tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho trẻ em và hội thảo cho phụ nữ về vấn đề bạo hành gia đình. Trong khi đó, “Nữ hoàng” Sara Elisabeth Mesia đến từ thành phố Santiago Atitlán lại tham gia đài truyền hình địa phương nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tình trạng ô nhiễm sông hồ, nguồn cung cấp nước quan trọng đối với sinh hoạt và nền kinh tế du lịch…

​​Mặc dù các “Nữ hoàng” hoạt động vì lợi ích cộng đồng, nhưng họ không nhận bất kỳ sự hỗ trợ nào từ chính quyền địa phương. Hầu hết các chi phí khi tham gia hoạt động tại địa phương khác của các “nữ hoàng” phải dựa vào sự hỗ trợ của gia đình. Bởi vậy, có không ít gia đình gặp khó khăn khi con gái họ nhận được lời mời tham gia cuộc thi. Tuy vậy, thế hệ trẻ vẫn tích cực tham gia cuộc thi và có nhiều gia đình vẫn tự hào cho con gái mình ủng hộ truyền thống này.