Chiến lược “ngoại giao Yoga” của Ấn Độ

Nhằm bù đắp cho lĩnh vực đối ngoại còn nhiều hạn chế, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang tích cực đẩy mạnh khai thác một số thế mạnh của nước này, đặc biệt là quảng bá bộ môn Yoga, coi đây là một giải pháp ngoại giao thân thiện và hòa hợp giữa các quốc gia và dân tộc trên thế giới.

Thủ tướng Modi tham gia Ngày Quốc tế Yoga tại Ấn Độ. Ảnh: CNN
Thủ tướng Modi tham gia Ngày Quốc tế Yoga tại Ấn Độ. Ảnh: CNN

Sau khi trở thành nhà lãnh đạo của Ấn Độ vào năm 2014, Thủ tướng Narendra Modi đã vận động LHQ chọn ngày 21-6 là “Ngày Quốc tế Yoga”. Từ đó đến nay, Yoga được coi là một công cụ ngoại giao hiệu quả của Ấn Độ, góp phần không nhỏ trong việc gây dựng lại vị thế của một trong những nền văn minh rực rỡ nhất lịch sử nhân loại. Các nhà nghiên cứu cho biết, Yoga là phương pháp luyện tâm, luyện tập thân thể cổ xưa bắt nguồn từ Ấn Độ. 

Theo Kyodo News, Ấn Độ được biết đến là một quốc gia có nền văn hóa riêng biệt và lâu đời. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, văn hóa Ấn Độ đã cống hiến cho nhân loại nhiều di sản có giá trị, mà Yoga là một tinh túy. Yoga có sức sống mãnh liệt, ngày càng phát triển nhờ kết hợp các giá trị về tinh thần, văn hóa và sức khỏe. Dù vậy, trong nhiều năm qua, tiềm năng phát huy “sức mạnh mềm” này của Ấn Độ vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Những người tiền nhiệm của ông Modi mặc dù đã nỗ lực nhằm truyền bá ảnh hưởng của Yoga ra thế giới, song nỗ lực này vẫn khá mờ nhạt do sự ảnh hưởng của những nét văn hóa như Hội đồng Anh, Viện Goethe của Đức hay mạng lưới Viện Khổng Tử trên khắp thế giới của Trung Quốc. 

Trước tình hình đó, một trong những công việc đầu tiên và quan trọng nhất khi trở thành Thủ tướng Ấn Độ của ông Narendra Modi là huy động cộng đồng người Ấn ở khắp nơi trên thế giới tài trợ và quảng bá văn hóa Ấn Độ, đặc biệt là về Yoga. Ông Modi được biết đến với hình ảnh một nguyên thủ tận dụng tốt thế mạnh của mình trên các trang mạng xã hội, điển hình là Facebook, Youtube, Tumblr, Linkedin và Pinterest. Đáng chú ý, trang Facebook cá nhân của ông Narendra Modi hiện có gần 50 triệu người theo dõi, ngoài mục đích truyền tải các thông điệp chính trị, ông còn thường xuyên đăng tải các hình ảnh, video/clip tập Yoga cùng người dân Ấn Độ nhằm phổ biến mạnh mẽ bộ môn rèn luyện sức khỏe này. 

Với mục tiêu biến Yoga thành “một hiện tượng toàn cầu”, tháng 9-2014, tại kỳ họp của Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Narendra Modi khẳng định “Yoga là món quà vô giá của Ấn Độ dành cho thế giới”. Cũng trong năm 2014, Thủ tướng Modi còn thành lập Bộ Yoga & Y học truyền thống với mục đích đẩy mạnh văn hóa Ấn Độ ra thế giới. 

“Ngoại giao Yoga” dưới thời Thủ tướng Modi được triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có ba hình thức cơ bản: Đích thân Thủ tướng Ấn Độ giới thiệu môn Yoga trong các diễn đàn ngoại giao cấp cao, tặng sách, thảo luận về Yoga với các chính khách như Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin..; tổ chức biểu diễn Yoga trong các chuyến thăm và đón nguyên thủ quốc tế như trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2015, đã có 400 người biểu diễn trước sự chứng kiến của Thủ tướng Modi và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường; thông qua Đại sứ quán Ấn Độ ở nước ngoài để triển khai hoạt động Yoga trên phạm vi toàn cầu nhân “Ngày Yoga quốc tế”.

Trong 5 năm qua, các trung tâm Yoga phát triển nở rộ ở Mỹ, Australia, hầu hết các nước châu Âu, Nam Mỹ, châu Phi và cả châu Á. Đây là một minh chứng rõ ràng nhất cho tính phổ biến của Yoga trên quy mô toàn cầu. Tại Trung Quốc, Việt Nam hay Mỹ, chúng ta dễ dàng tìm thấy các phòng tập luyện Yoga, thậm chí là người dân tập Yoga trên đường phố, công viên, khu dân cư... Yoga không chỉ trở thành một phần trong chương trình giáo dục ở Ấn Độ mà còn ở Mỹ và châu Âu. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 42 triệu người luyện tập Yoga. Chỉ riêng ở Mỹ, năm 2016 ước tính có hơn 20 triệu người tập Yoga và số tiền mỗi năm người Mỹ chi cho môn tập luyện nâng cao sức khỏe này lên tới hơn 10 tỷ USD.