“Cách mạng nông nghiệp” mới ở Ấn Độ

Thời gian qua, tại nhiều bang ở Ấn Độ, hàng nghìn nông dân đã mạnh dạn thuê máy móc trồng lúa trong bối cảnh lao động vụ mùa khan hiếm do các biện pháp hạn chế đi lại chống dịch Covid-19. Với những tín hiệu tích cực mà tiến bộ khoa học - kỹ thuật đem lại, Ấn Độ đang đứng trước một cuộc “cách mạng” trong nông nghiệp, một trong những ngành chủ đạo của nền kinh tế nước này.

Người dân Ấn Độ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt. Ảnh: MARKETSCREENER
Người dân Ấn Độ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt. Ảnh: MARKETSCREENER

Trong hơn 20 năm, Ravindra Kajal - một nông dân Ấn Độ 46 tuổi, vẫn trồng lúa theo cách mà thế hệ trước đã làm. Cứ vào tháng 6, ông Kajal lại bơm nước đầy ruộng rồi thuê nhân công cấy lúa. Song, sự khan hiếm lao động vụ mùa trong năm nay vì dịch Covid-19 đã buộc ông Kajal phải thay đổi phương thức trồng trọt. Ông tưới vừa đủ để làm ẩm ruộng, sau đó thuê máy gieo hạt trực tiếp. Đưa mắt về phía cánh đồng xanh mướt ở ngôi làng Raipur Jattan thuộc bang Haryana, ông Kajal thừa nhận việc thuê máy móc thay vì thuê người đã giúp tiết kiệm khoảng 100 USD trên mỗi mẫu ruộng.

Ấn Độ là một trong số ít nhà xuất khẩu gạo lớn của thế giới. Vụ mùa năm 2020, hàng trăm nghìn lao động từ các bang Bihar và Jharkhand ở phía đông nước này đã không thể di chuyển đến “vành đai ngũ cốc” phía bắc, do các biện pháp hạn chế đi lại do dịch Covid-19. Điều này đã khiến giá nhân công tăng, buộc người nông dân phải thuê máy móc trồng lúa. Tuy nhiên, chính điều này lại mang lại kết quả bất ngờ. Trên khắp các bang Haryana và Punjab, hàng nghìn nông dân đã mạnh dạn cơ giới hóa trồng trọt, đưa máy gieo hạt trực tiếp (DSR) ra đồng. 

Giới chức Ấn Độ cho biết, công nghệ DSR có thể làm tăng 30% năng suất và giảm đáng kể chi phí lao động và nguồn nước. Naresh Gulati, quan chức nông nghiệp ở bang Punjab cho hay, các máy DSR cho phép nông dân trồng hơn 30 cây con trên 1 m² đất, gần gấp đôi theo cách truyền thống. Dù nhiều người còn “cảnh giác” với công nghệ, song Kahan Singh Pannu, cán bộ nông nghiệp của bang Punjab tin rằng, một sự thay đổi mang tính lịch sử đang diễn ra có thể làm tăng đáng kể sản lượng gạo của Ấn Độ. “Nó không kém gì một cuộc cách mạng trong nông nghiệp của Ấn Độ”, Kahan Singh Pannu khẳng định. 

Punjab là nơi từng diễn ra mạnh mẽ cuộc “Cách mạng xanh” trong những năm 60 của thế kỷ trước, giúp sản lượng nông nghiệp Ấn Độ tăng đột biến. Năm nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, nông dân ở đây đã sử dụng máy DSR để gieo lúa trên hơn nửa triệu ha, tăng mạnh so mức dưới 50.000 ha trong năm 2019. Giới chức bang cho biết, do ngày càng nhiều nông dân tin tưởng DSR nên công nghệ này sẽ sớm xuất hiện trên toàn bộ 2,7 triệu ha diện tích trồng lúa của bang Punjab vào năm tới. Đây sẽ là một bước ngoặt cho sản xuất lúa gạo của Ấn Độ.

Tiết kiệm nước là điểm mạnh của DSR. Điều này đặc biệt quan trọng đối với một quốc gia có khí hậu khô và gió mùa như ở Ấn Độ. Theo cách thông thường, cần tới 3.000 - 5.000 lít nước để sản xuất 1 kg gạo ở Ấn Độ, nhưng DSR cho phép người trồng lúa giảm từ 50 - 60% lượng nước cần thiết. Devinder Singh Gill, một nông dân ở quận Moga của bang Punjab cho biết, ngoài việc giúp người dân tiết kiệm chi phí cho nước và công lao động, DSR còn thao tác rất nhanh và hiệu quả, bởi máy gieo hạt cho phép nông dân bỏ qua giai đoạn ươm giống và trồng thẳng vào ruộng.

Dù vậy, một trong những thách thức chính đối với nông dân sử dụng DSR là cỏ dại, đòi hỏi phải xử lý trong suốt mùa vụ. Tuy nhiên theo người dân, kể cả gồm các phụ phí này, với DSR, chi phí canh tác vẫn thấp hơn đáng kể. Nhiều nông dân cho biết họ sẽ chờ kết quả vụ mùa tháng 10 tới, trước khi quyết định có nên gắn bó với công nghệ này hay không. 

Ấn Độ luôn dành ưu tiên lớn trong việc tăng sản lượng nông nghiệp, coi đây là một biện pháp xóa đói, giảm nghèo. Bên cạnh DSR, quốc gia châu Á này vẫn luôn thúc đẩy các cải tiến khoa học - kỹ thuật nhằm mang lại những bước tiến mới trong trồng trọt. Avinash Kishore, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) có trụ sở tại Mỹ nhận định, nếu vụ mùa năm nay thắng lợi, DSR sẽ mở đường cho ngành nông nghiệp Ấn Độ phát triển mạnh mẽ hơn.