Bộ tộc “người cá” ở Đông - Nam Á

Sống rải rác ở các vùng biển Philippines, Malaysia và Indonesia, người Bajau dành nhiều thời gian dưới nước để lặn bắt sinh vật biển. Khả năng xuống sâu tận 60 m và nín thở cả chục phút của những “rái cá” bộ tộc này đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trên thế giới.

Người Bajau đi săn. Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Người Bajau đi săn. Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC

Với suy nghĩ biển cả là nhà, trong những thế kỷ qua, nhiều thế hệ người Bajau đã lênh đênh trên những vùng biển san hô ở khu vực Đông - Nam Á. Dành phần lớn thời gian để lặn bắt cá, cầu gai, hải sâm và các loại sinh vật khác, họ được mệnh danh là “người cá” do có khả năng bơi lặn tài ba. Một số thành viên của Bajau cho biết, họ có thể nhịn thở tới 13 phút và lặn xuống tận 60 m dưới biển, trong khi nhiều người khác có thể thoải mái lặn sâu từ 20 - 30 m trong nửa thời gian kể trên.

Cuộc sống gắn bó với đại dương, nhiều người trong bộ lạc vẫn sống trên những ngôi nhà gỗ hoặc lều, được dựng trên rạn san hô gần các đảo ở Indonesia, Malaysia hay Philippines. Họ săn bắt hải sản rồi mang lên bờ bán để mua lấy các nhu yếu phẩm hằng ngày. Tại Indonesia, một cộng đồng lớn người Bajau định cư chung quanh các đảo của nước này. Làng Sampela của tộc người Bajau bập bềnh trên mặt biển ở đông nam Indonesia, nơi nổi tiếng với nhiều rạn san hô trù phú. Đây cũng là địa điểm thú vị để du khách có thể tìm hiểu lối sống độc đáo của ngư dân. Theo các nhà sử học địa phương, được xây dựng vào những năm 50 thế kỷ trước, Sampela nay đã trở thành một trong những cộng đồng Bajau lớn nhất trên biển, với dân số khoảng 1.200 người.

Mỗi khi “đi săn”, người làng Sampela thường chỉ sử dụng một cây giáo thô sơ và kính lặn tự chế. Họ lặn để bắt hải sản hoặc cũng có thể tìm kiếm nguyên liệu tự nhiên để làm đồ thủ công. Về bí quyết để biết khi nào cần nổi lên mặt nước, những “rái cá” nổi tiếng trong làng Sampela cho hay, thật ra họ chẳng có “bí kíp” nào mà đó là do tập quán lặn săn bắt lâu đời hình thành nên.

Nổi tiếng với khả năng nhịn thở, người Bajau tập trung vào hiệu quả thu được trong những lần “đi săn”. Họ chú trọng tối đa hóa lượng thức ăn thu được trong mỗi lần xuống nước. Mỗi ngày làm việc trung bình dưới nước của người Bajau có thể kéo dài hơn năm giờ đồng hồ và khoảng 60% lượng thời gian đó họ ngụp sâu dưới biển.

Tại Sampela, trẻ em học lặn từ lúc mới lên ba tuổi. Cũng chẳng có bất cứ giáo án chính thức nào dành cho bọn trẻ, mà chúng học từ cha mẹ và học lẫn nhau, tự quan sát và trải nghiệm. Việc người Bajau có thể nhịn thở lâu hơn so người bình thường khiến nhiều người tò mò. Có tin đồn về việc người lớn cố tình làm thủng màng nhĩ của trẻ để giảm đau cho chúng khi lặn sâu. Tuy nhiên, Pondang - một cư dân trong làng khẳng định, tình trạng màng nhĩ có vấn đề có thể chỉ là kết quả của nhiều năm lặn biển.

Theo giới chuyên gia, quá trình sinh sống lâu năm trên biển đã giúp người Bajau “tiến hóa” để thích nghi môi trường nước. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, do bơi lặn tự do từ rất sớm, lá lách của người Bajau lớn hơn của người bình thường, điều này cho phép họ có thể di chuyển và làm việc lâu hơn dưới nước. Một nghiên cứu của Đại học Copenhagen (Đan Mạch) cho thấy, lá lách của người Bajau lớn hơn tới 50% so cộng đồng khác sống trên đất liền ở Indonesia. Trong khi đó, một số nghiên cứu khác nhận định người Bajau còn có khả năng mang một số gen nhất định liên quan phản xạ lặn.

Trong khi các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu để giải mã những bí mật liên quan bộ lạc “người cá”, người Bajau vẫn nỗ lực xây dựng những ngôi làng kiên cố hơn với hy vọng mang đến chất lượng sống tốt hơn cho cộng đồng. Du khách đến Sampela có thể thấy từ xa những ngôi nhà mầu xanh và cam, với mái nhà bằng thiếc. Cư dân chèo thuyền khéo léo giữa những căn nhà gỗ mộc mạc cao khoảng 3 m trên mặt nước, được kết nối với nhau bằng những thanh gỗ dài.

Sampela cũng đã có trường học, sân bóng đá và các cửa hàng bán giày dép hay quần áo. Ngoài thời gian kiếm sống từ đại dương, họ thường tụ tập và trò chuyện vui vẻ. Dù sống gần các đảo, lối sinh hoạt gắn liền với biển vẫn luôn được người Bajau chú trọng giữ gìn và bảo vệ cho thế hệ sau này.