Báo động nạn buôn bán động vật hoang dã

Tạp chí Science số ra mới đây đăng tải một nghiên cứu cho thấy, hơn 5.500 loài chim, động vật có vú, bò sát và động vật lưỡng cư hoang dã bị mua bán trên toàn thế giới, nhiều hơn 50% so ước tính trước đó.

Nhiều loài động vật hoang dã bị buôn bán bất hợp pháp. Ảnh: WN
Nhiều loài động vật hoang dã bị buôn bán bất hợp pháp. Ảnh: WN

Theo nghiên cứu trên, hoạt động mua bán hợp pháp cũng như bất hợp pháp động vật hoang dã (ĐVHD) với mục đích làm vật nuôi hay các sản phẩm từ động vật được xem là lĩnh vực mang lại lợi nhuận hàng tỷ USD, và cũng là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với đa dạng sinh học.

Nghiên cứu chỉ rõ, khoảng 5.579 loài trong tổng số 31.745 loài động vật có xương sống bị mua bán trên thị trường, tương đương 18%. Trong số các loài động vật có vú, 27% bị mua bán, chủ yếu là để sản xuất sản phẩm từ ĐVHD, chẳng hạn tê tê bị giết lấy vảy và thịt, voi và tê giác bị giết để lấy ngà và sừng... Số loài chim bị mua bán chiếm 23%. Các loài lưỡng cư, bò sát thường bị mua bán phục vụ mục đích giải trí và sử dụng làm thuốc.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, hoạt động buôn bán ĐVHD, gồm cả hợp pháp và bất hợp pháp, sẽ tiếp tục gia tăng. Theo đó sẽ có thêm 3.196 loài bị đem ra mua bán, chủ yếu là các loài đang bị đe dọa tuyệt chủng, như tê tê châu Phi.

Những năm qua, LHQ đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn nạn buôn bán bất hợp pháp ĐVHD và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Đến nay, Hiệp hội quốc tế về chống tội phạm ĐVHD (ICCWC), ra đời từ năm 2010, đã hoạt động hiệu quả khi ngăn chặn nhiều vụ buôn bán ĐVHD. Giới chức Liên hiệp châu Âu (EU) cũng đã thông qua Nghị quyết về tội phạm có liên quan ĐVHD, đưa ra một số biện pháp và kế hoạch hành động nhằm đẩy lùi hoạt động buôn bán trái phép ĐVHD. Tại Mỹ, chính phủ nước này đã ban hành lệnh cấm xuất nhập khẩu, hoặc bán lại ngà voi. Từ năm 2014, Tuyên bố London về buôn bán trái phép các loài ĐVHD đã được 46 nước chính thức thông qua nhằm thể hiện quyết tâm chấm dứt tình trạng này bằng nhiều giải pháp và hành động cụ thể, như xóa bỏ thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD, tăng cường hiệu quả của hệ thống pháp luật ở các quốc gia, nâng cao vai trò của cộng đồng dân cư, thúc đẩy sự phát triển bền vững.