Amsterdam phát triển du lịch bảo vệ môi trường

Trong nhiều thế kỷ, hoạt động câu cá trên các con kênh nổi tiếng của Thủ đô Amsterdam (Hà Lan) đã trở thành một phần văn hóa của thành phố. Tuy nhiên, các con kênh đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do rác thải nhựa. Vì thế, một tour du lịch thu gom rác trên các kênh đào của Amsterdam đã ra đời. Đây là sản phẩm sáng tạo vừa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, vừa kích cầu du lịch của hãng Plastic Whale - một công ty câu rác nhựa chuyên nghiệp đầu tiên trên thế giới. 

Tour du lịch gom rác của Plastic Whale tại Amsterdam. Ảnh: SARAH BEEKMANS
Tour du lịch gom rác của Plastic Whale tại Amsterdam. Ảnh: SARAH BEEKMANS

Trong báo cáo mới đây của Đại học Leeds (Anh), ước tính tới năm 2040, trên toàn cầu có khoảng 1,3 tỷ tấn nhựa đổ trên đất và thải ra biển. Ngay cả khi có những hành động quyết liệt từ bây giờ, nhiều khả năng vẫn có tới 710 triệu tấn rác thải nhựa sẽ hủy hoại môi trường trong 20 năm tới. Lượng rác thải nhựa như vậy đủ để bao phủ diện tích tương đương nước Anh và tạo ra một thảm họa môi trường nghiêm trọng ở quy mô toàn cầu. Ngay cả một quốc gia nổi tiếng bảo vệ môi trường của châu Âu như Hà Lan cũng gặp phải vấn đề nan giải với rác thải nhựa, rõ rệt nhất là trên các kênh đào ở Thủ đô Amsterdam.

Người sáng lập Công ty Plastic Whale là Marius Smit, một nhà hoạt động môi trường người Hà Lan đã có mặt ở tất cả những “điểm nóng” về vấn đề rác thải nhựa của thế giới. “Tôi từng tới thăm một bãi biển của đảo Borneo (Indonesia) ngay sau cơn bão. Toàn bộ bãi biển bị bao phủ bởi rác thải nhựa. Nhiều rác đến mức không thể nhìn thấy cát và thực tế này khiến tôi trăn trở”, ông Smit bày tỏ. Từ đó, khi trở lại Amsterdam, ông Smit quyết tâm tìm ra giải pháp, bắt đầu thực hiện ở chính quê nhà. Việc rác thải nhựa gây cản trở hoạt động câu cá trên các con kênh đã giúp ông Smit đưa ra ý tưởng về các tour du lịch sinh thái. Trọng tâm chính là để khách du lịch vừa tham quan kênh đào, vừa thu gom chất thải tái chế bằng tàu đánh cá nhỏ.

Theo bà Eva de Jong, Giám đốc điều hành Plastic Whale cho biết: “Chúng tôi muốn đạt được mục tiêu là thu gom tất cả rác thải và đồ nhựa trong các con kênh của Amsterdam để người dân có thể câu cá như trước đây. Trên những con thuyền đánh cá nhỏ, chúng tôi tổ chức tour tới những khu vực kênh ít nổi tiếng với khách du lịch và tự họ sẽ dùng lưới để vớt rác thải”. Ra đời năm 2011, Plastic Whale đã xây dựng một đội tàu gồm 11 chiếc tại Thủ đô Amsterdam và hai tàu hoạt động tại thành phố Rotterdam. Đội tàu trang bị động cơ chạy điện, vận hành bằng vật liệu tái chế thu từ chính các kênh đào. Thuyền trưởng Berend Hilberts, một trong những người điều hành tàu thu gom rác của Plastic Whale nói: “Khách du lịch sẽ được nhìn Amsterdam từ một góc độ khác. Tất cả các tàu đang hoạt động hết công suất và điều đáng mừng là theo thời gian, chúng tôi thấy ít rác và đồ nhựa trôi nổi trên kênh đào hơn so khi công ty mới thành lập. Đây chính là động lực lớn nhất với chúng tôi”.

Ý tưởng này đã nhận được ủng hộ từ những ngày đầu từ bạn bè của ông Smit và ngày càng nhiều người dân địa phương. Nhờ đó, Plastic Whale lớn mạnh dần theo từng năm. Năm 2019 vừa qua, Plastic Whale đã thu gom được hơn 40.500 chai nhựa từ các kênh đào của Amsterdam, với sự tham gia của hơn 18.000 khách du lịch. Thành công của Plastic Whale là bài học kinh nghiệm và thông điệp gửi tới chính phủ, các doanh nghiệp, rằng chất thải có thể đem lại giá trị kinh tế. Thương hiệu Starbucks (Mỹ), một trong những công ty đầu tiên hợp tác với Plastic Whale, đã tổ chức các hoạt động tương tự ở nhiều thành phố lớn như London (Anh), Frankfurt và Hamburg (Đức) và Ghent (Bỉ) để quảng bá mô hình này.

Ngoài việc làm sạch kênh đào ở Amsterdam, Plastic Whale còn có những mục tiêu khác quy mô hơn trong tương lai. Dự án tiếp theo sẽ bắt đầu vào tháng 10 tới nhằm xử lý rác thải nhựa ở Ghana. “Xét cho cùng, chúng tôi là một doanh nghiệp có sứ mệnh xã hội và cần tiếp tục tuyên truyền rằng chất thải nhựa có thể đem lại giá trị kinh tế. Đầu tiên là Hà Lan, tiếp theo là Ghana và sau này sẽ là những nơi cần thay đổi suy nghĩ, sự quan tâm của mọi người đối với rác thải nhựa”, ông Smit khẳng định.