Vụ bắt giữ gây tranh cãi

Trong một nỗ lực đưa khoảng 40 người tị nạn cập cảng Lampedusa (Italia) sau hai tuần neo đậu ngoài khơi, nữ thuyền trưởng người Đức Carola Rackete (31 tuổi) và các thuyền viên tàu cứu hộ Sea-Watch 3 đã bị chính quyền nước này bắt giữ hôm 29-6 vừa qua sau khi Sea-Watch 3 vô tình đâm vào thuyền của cảnh sát biển. Vụ việc đã dấy lên nhiều tranh cãi trong dư luận quốc tế chung quanh khác biệt về chính sách tị nạn và người nhập cư của các nước châu Âu.

Nữ thuyền trưởng Carola Rackete bị giới chức Italia bắt giữ. Ảnh: EVENING STANDARD
Nữ thuyền trưởng Carola Rackete bị giới chức Italia bắt giữ. Ảnh: EVENING STANDARD

Ngày 12-6, tàu Sea-Watch 3 đã giải cứu một nhóm khoảng 53 người tị nạn châu Phi từ một chiếc bè của bọn buôn người, trôi dạt từ bờ biển Libya tới ngoài khơi Italia. Có 13 người đã được phép nhập cư tại Italia vì lý do sức khỏe sau nhiệm vụ giải cứu. Khoảng 40 người phải ở lại tàu Sea-Watch 3 neo đậu ngoài khơi chờ sự chấp nhận của Italia hoặc quốc gia khác thuộc Liên hiệp châu Âu (EU).

Trả lời hãng tin DW (Đức), đại diện tổ chức Sea-Watch cho rằng các tàu của họ không thể đưa người di cư đến Đức hoặc Hà Lan vì cả hai quốc gia ở quá xa khu vực tìm kiếm cứu nạn. Để tới đó, những chiếc thuyền cũng phải đi qua Đại Tây Dương và vịnh Biscay, nơi có điều kiện thời tiết biển khắc nghiệt hơn nhiều so Địa Trung Hải, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Lựa chọn hải trình an toàn hơn là tới hải cảng ở đảo Lampedusa, thuộc khu vực Sicilia (Italia), thuyền của Rackete bị tàu cảnh sát biển tại đây chặn lại. Ông Matteo Salvini, Bộ trưởng Nội vụ nước này từ chối cho các thuyền viên và nhóm người tị nạn trên tàu Sea-Watch 3 lên đảo Lampedusa cho đến khi các nước EU khác đồng ý tiếp nhận họ. Đồng thời, Chính phủ Italia còn đưa ra lệnh cấm vào ngày 14-6 đối với các tàu cứu hộ và công bố khung tiền phạt lên tới 56.000 USD cùng việc thu giữ tàu nếu vi phạm.

Hôm 28-6 vừa qua, năm quốc gia đã cam kết sẽ tiếp nhận người di cư là Phần Lan, Pháp, Đức, Luxembourg và Bồ Đào Nha. Mặc dù vậy, thuyền trưởng Rackete không thể chờ đợi lâu hơn và quyết tâm đưa tàu vào cảng bất chấp lệnh cấm và hệ lụy xảy ra với bản thân. Trả lời phỏng vấn báo giới cùng ngày, cô Rackete cho biết tình hình người tị nạn trên con tàu “vô cùng căng thẳng và ngày càng tồi tệ hơn”. Trong nhóm người tị nạn, có ba trẻ nhỏ và một số người bị tổn thương cả về thể chất lẫn tâm lý khi phải ở lâu trên thuyền neo đậu ngoài biển mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào.

Trong nỗ lực cập cảng ngày 29-6, tàu của Rackete đã va chạm với tàu của cảnh sát biển, khiến một số sĩ quan bị thương và tàu cảnh sát bị hư hỏng. Thuyền trưởng Rackete và thuyền viên tàu Sea-Watch 3 đã bị cảnh sát Italia giam giữ do vi phạm Luật Hàng hải của nước này và có thể bị kết án tới 10 năm tù. Ngoài ra, Rackete cũng đang bị cáo buộc thêm tội danh hỗ trợ người nhập cư bất hợp pháp. Trong khi đó, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và Bộ trưởng Ngoại giao Heiko Maas đã yêu cầu nhanh chóng làm rõ vụ việc, đồng thời cho rằng hành động của Rackete là nỗ lực nhân đạo, không nên “hình sự hóa”. Ngay sau vụ bắt giữ, nhiều tổ chức cứu trợ nhân đạo và các nhóm hoạt động xã hội cũng phát động chiến dịch gây quỹ cộng đồng để trả các khoản tiền phạt cho tất cả thuyền viên tàu Sea-Watch 3. Số tiền tới nay đã lên tới 395.000 USD.

Vụ việc đã bộc lộ những bất đồng trong chính sách tiếp nhận người nhập cư giữa Italia và Đức, cũng như nội bộ các quốc gia thành viên EU khác. Cùng Đức, một số quốc gia EU mới đây cũng lên tiếng chỉ trích động thái của Chính phủ Italia. Bà Sibeth Ndiaye, Người phát ngôn Chính phủ Pháp cho biết: “Có một quy tắc trong Luật Hàng hải quốc tế là người di cư phải được đưa đến cảng biển gần nhất và an toàn nhất. Italia cần tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực này. Tất nhiên, các nước EU cũng sẽ giải quyết vẫn đề dựa trên cơ sở hợp tác với Italia”.

Chính phủ Italia vẫn khẳng định hành động “liều lĩnh” của thuyền trưởng Rackete nói riêng và các hoạt động hỗ trợ người nhập cư trái phép nói chung là vi phạm pháp luật nước này. Tại Hội nghị cấp cao EU tại Brussels (Bỉ) ngày 30-6, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte tuyên bố hành động của Rackete sẽ được định đoạt sau phiên tòa xét xử tại một phiên tòa ở Italia.