Vị “trọng tài” quyền lực

Trong cuộc “so găng” nảy lửa đầu tiên giữa hai ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump và đối thủ thuộc đảng Dân chủ Joe Biden mới đây, vị trí điều phối tranh luận của ông Chris Wallace (trong ảnh) được dư luận quan tâm. Bởi, phải ở một tầm cỡ như thế nào thì ông Wallace mới được ngồi vào chiếc ghế “trọng tài” cho cuộc tranh luận đáng chú ý nhất nước Mỹ hiện nay.

Ảnh: CNN
Ảnh: CNN

Thống kê của hãng dữ liệu Nielsen (Mỹ) cho thấy, ước tính đã có 73,1 triệu lượt khán giả theo dõi màn đối đầu giữa hai ứng cử viên Tổng thống trên truyền hình. Bên cạnh cuộc đấu khẩu dữ dội giữa hai ứng cử viên Cộng hòa và Dân chủ, thì vai trò điều phối cuộc tranh luận của ông Chris Wallace cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. 

Theo “luật bất thành văn”, kể từ năm 1988, vị trí điều phối viên trong các cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều do một tổ chức phi đảng phái gọi là Ủy ban Tranh luận tổng thống (CPD) lựa chọn. CPD đưa ra ba tiêu chí để lựa chọn điều phối viên: phải am hiểu về các ứng cử viên và những vấn đề lớn của chiến dịch tranh cử Tổng thống, phải có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực phát sóng trực tiếp trên truyền hình và cuối cùng phải tập trung tối đa thời gian vào những quan điểm tranh luận của hai ứng cử viên. Người điều phối tranh luận cũng là người chủ động lựa chọn các câu hỏi sẽ đặt ra với hai ứng cử viên. 

Năm nay, nhà báo Chris Wallace được CPD lựa chọn vào vị trí quan trọng này. Chris Wallace là con trai của nhà báo kỳ cựu Mike Wallace trong chương trình “60 Minutes” huyền thoại trên truyền hình Mỹ. Chris Wallace “đầu quân” cho kênh Fox News năm 2003 sau khi rời đài ABC News. Ông từng làm việc cho NBC News, kênh chuyên đưa tin về các chiến dịch tranh cử. Chris Wallace từng là người điều phối phiên tranh luận cuối cùng giữa ông Trump và bà Hillary Clinton bốn năm trước. 

Trong cuộc đối đầu vừa qua, Chris Wallace đã nhiều lần phải can thiệp nhằm yêu cầu ứng cử viên Donald Trump không nên ngắt lời đối thủ quá nhiều, song điều này khiến ông bị công kích. Trên chương trình của MSNBC sau phiên tranh luận, Cố vấn Thương mại Nhà trắng Peter Navarro chỉ trích cách điều hành cuộc thảo luận của ông Wallace, cho rằng người dẫn chương trình của Fox News thiên vị ông Biden. Trong khi đó, ông Charlie Kir - người sáng lập chương trình “Talking Points USA” nói thêm rằng, trong cuộc tranh luận lần này, ông Wallace đã ngắt lời Tổng thống Trump 76 lần trong khi ông Trump chỉ ngắt lời đối thủ của mình tổng cộng 15 lần. Trước tình hình trên, CPD thông báo sẽ có một số thay đổi trong các quy định nhằm bảo đảm các cuộc tranh luận trực tiếp sắp tới sẽ diễn ra “trật tự hơn”. Tuyên bố của ủy ban trên nêu rõ, cuộc tranh luận vào ngày 29-9 đã cho thấy sự cần thiết phải bổ sung các quy định mới đối với thể thức tranh luận hiện hành. 

Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ sẽ còn hai vòng tranh luận trực tiếp nữa, với hai người điều phối khác được CPD chỉ định. Tiếp sau nhà báo Chris Wallace, cuộc tranh luận thứ hai diễn ra ngày 15-10 tại Miami, bang Florida sẽ do nhà báo Steve Scully - nhà sản xuất chủ chốt kiêm biên tập viên mảng chính trị của mạng truyền hình C-SPAN, điều phối. Ông Scully là điều phối viên dự khuyết trong mọi cuộc tranh luận Tổng thống Mỹ năm 2016. Cuộc tranh luận thứ ba diễn ra ngày 22-10 tại Đại học Belmont ở thành phố Nashville, bang Tennessee, sẽ do nhà báo Kristen Welker - người phụ trách thông tin liên quan Nhà trắng và cũng là người dẫn chương trình tại đài NBC News, đảm nhận.

Trước ngày bầu cử chính thức 3-11 tới, sẽ không chỉ có các màn tranh luận giữa hai ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa và Dân chủ, mà còn diễn ra màn đối đầu duy nhất giữa liên danh tranh cử Phó Tổng thống đảng Cộng hòa, ông Mike Pence và ứng cử viên Phó Tổng thống của đảng Dân chủ, bà Kamala Harris. Hai đối thủ dự kiến tranh luận trực tiếp vào ngày 7-10 tới tại Đại học Utah, thành phố Salt Lake. Nhà báo Susan Page, Trưởng văn phòng báo USA Today tại Thủ đô Washington D.C được CPD chỉ định làm điều phối viên.