Vết rạn của Facebook

Hai nhà sáng lập Instagram, Kevin Systrom và Mike Krieger đã đồng loạt từ chức Tổng Giám đốc điều hành (CEO) và Giám đốc kỹ thuật (CTO) của mạng xã hội này sau sáu năm về đầu quân cho Tập đoàn Facebook Inc. Việc hai người từ bỏ “đứa con tinh thần” Instagram được cho là xuất phát từ những khác biệt với công ty mẹ Facebook.

Mike Krieger (trái) và Kevin Systrom tại một lễ trao giải công nghệ ở Mỹ. Ảnh: FOX NEWS
Mike Krieger (trái) và Kevin Systrom tại một lễ trao giải công nghệ ở Mỹ. Ảnh: FOX NEWS

Systrom và Krieger vừa qua thông báo về quyết định rút khỏi nhóm lãnh đạo và sẽ chia tay ứng dụng chia sẻ hình ảnh Instagram thuộc sở hữu của Facebook Inc. Việc cả CEO và CTO đồng thời từ bỏ Instagram là quyết định đầy bất ngờ, bởi trước đó, cả hai nhà đồng sáng lập vẫn lên kế hoạch hoạt động tại Facebook Inc, họ cũng không có động thái nào cho thấy khả năng chia tay khi giá trị của Instagram đang được định giá đã tăng gấp 100 lần so thời điểm bán cho Facebook vào năm 2012.

Kevin Systrom và Mike Krieger gặp nhau khi cùng học tại Đại học Stanford (Mỹ) và đều làm việc tại Thung lũng Silicon trước khi thành lập Instagram vào năm 2010. Khi mới phát triển, Instagram hoạt động chỉ với 13 người và là công ty phát triển ứng dụng chỉnh sửa và chia sẻ hình ảnh trên điện thoại được nhiều người đăng ký sử dụng. Năm 2012, Facebook đã mua lại Instagram với giá 1 tỷ USD.

Tại thời điểm Mark Zuckerberg tuyên bố mua Instagram, nhiều người cho rằng đây là mức giá gấp đôi, thậm chí gấp ba giá trị của công ty này. Khi đó, các nhà phân tích nhận định giá trị của Instagram mới chỉ ở mức 500 triệu USD. Đây cũng là lần đầu Facebook mua lại một ứng dụng có nhiều người dùng đến thế, ước tính khoảng 30 triệu người dùng (năm 2012).

Đến nay, Instagram đã tăng trưởng nhanh chóng cả về giá trị và lượng người dùng. Tháng 6 vừa qua, công ty thông báo đã đạt tới 1 tỷ người dùng thường xuyên. Trung bình mỗi ngày có 500 triệu người trên khắp thế giới truy cập ứng dụng. Đối tượng người dùng Instagram được đánh giá là trẻ và chịu chi nên hiệu suất thu hút quảng cáo lại càng cao. Đà tăng trưởng người sử dụng đầy ấn tượng của Instagram cũng giúp giá trị công ty phát triển chóng mặt. Theo Bloomberg, ước tính Instagram có thể được định giá tới 100 tỷ USD, gấp 100 lần số tiền Facebook đã bỏ ra cách đây sáu năm.

Trong lúc công ty đang ăn nên, làm ra như vậy, quyết định ra đi của hai nhà sáng lập không khỏi gây bất ngờ và băn khoăn. Dù không nói rõ lý do, song nhiều đồn đoán cho rằng cuộc chia tay chóng vánh này đến từ những mâu thuẫn giữa hai người với sự điều hành của Mark Zuckerberg. Tuy về một nhà với Facebook, song từ trước đến nay Instagram và Facebook vẫn hoạt động độc lập và hai dịch vụ này cũng ít liên kết đến nhau.

Thời gian qua, Facebook vướng nhiều bê bối liên quan chính sách bảo mật và quyền riêng tư của khách hàng, khiến CEO Zuckerberg chịu nhiều áp lực hơn về kiểm soát mạng xã hội của mình. Bên cạnh đó, Facebook chủ trương thu hút quảng cáo ngay trên trang chính của người sử dụng cũng không được lòng các nhà sáng lập Instagram. Giới quan sát nhận định, đây là nguyên nhân khiến lãnh đạo của Facebook bất đồng với những người quản lý công ty con. Trước đó, hai nhà đồng sáng lập ứng dụng Whatsapp từng được Facebook mua lại năm 2014 là Brian Acton và Jan Koum cũng đã lần lượt “dứt áo ra đi” cũng vì lý do tương tự.

Với giá trị cổ phiếu vẫn còn tiếp tục tăng sau khi rời khỏi Instagram, hai nhà sáng lập sẽ có nhiều điều kiện để phát triển những ý định riêng của mình mà không bị lệ thuộc như khi còn ở Facebook. Trên trang cá nhân, Systrom tiết lộ rằng anh và người bạn đồng hành Krieger đã quyết định dành thời gian để “sáng tạo một lần nữa”. Trong tuyên bố gần đây, Zuckerberg cũng bày tỏ “mong muốn được nhìn thấy những gì họ xây dựng tiếp theo”, cho thấy Systrom và Krieger có thể ra mắt sản phẩm của riêng mình trong thời gian tới.

Mặc dù vậy, cộng đồng người dùng lấy làm tiếc nuối trước sự ra đi của hai nhà sáng lập Instagram. Giờ đây ứng dụng này mất hoàn toàn những tiêu chí ban đầu là một trang chia sẻ hình ảnh dễ dàng và không chạy quảng cáo. Thay vào đó, người dùng lo ngại ứng dụng này sẽ ngày càng bị thương mại hóa nhiều hơn một khi đã giao trọn cho Facebook. Động thái trên cho thấy Facebook đang chứng kiến những rạn nứt từ ngay nội bộ, có nguy cơ ảnh hưởng tương lai của mạng xã hội lớn nhất toàn cầu này.