Tín hiệu tích cực

Quốc hội Libya mới đây thông qua danh sách Chính phủ lâm thời với nhiệm vụ chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào tháng 12 tới. Đây được xem là bước đi quan trọng hướng tới việc chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài 10 năm tại quốc gia Bắc Phi này.

Thủ tướng lâm thời Libya Abdul Hamid Dbeibah. Ảnh: AP
Thủ tướng lâm thời Libya Abdul Hamid Dbeibah. Ảnh: AP

Theo CNN, ngày 10-3 vừa qua, sau hai ngày tranh luận căng thẳng tại TP Sirte, miền trung Libya, danh sách thành viên chính phủ của Thủ tướng lâm thời Abdul Hamid Dbeibah đã được thông qua, với 121 phiếu ủng hộ trên tổng số 132 phiếu. Chính phủ lâm thời mới sẽ bao gồm hai Phó Thủ tướng, 26 Bộ trưởng, sáu Quốc vụ khanh. Đặc biệt, các vị trí quan trọng về ngoại giao và tư pháp sẽ lần đầu do các nữ chính trị gia nắm quyền. 

Phát biểu ý kiến sau phiên bỏ phiếu, Thủ tướng lâm thời Dbeibah nhấn mạnh, đây sẽ là chính phủ của tất cả người dân Libya. Ông Dbeibah đã được bầu làm Thủ tướng lâm thời Libya tại Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya do LHQ bảo trợ vào tháng 2 vừa qua. Thời gian tới, chính phủ của ông sẽ phải giải quyết nhiệm vụ khó khăn là thống nhất các thể chế bị chia rẽ, đồng thời tiến hành các bước chuẩn bị tổng tuyển cử.

Ngay sau khi danh sách chính phủ được thông qua, Chủ tịch Quốc hội Libya, Aguila Saleh gọi 10-3 là một “ngày lịch sử”. Phái bộ hỗ trợ của LHQ tại Libya (UNSMIL) cũng đánh giá đây là phiên họp thống nhất sau nhiều năm quốc gia này chìm trong chia rẽ sâu sắc và bế tắc chính trị. 

Việc Libya vượt qua bất đồng để bầu được một chính phủ lâm thời đã nhận được sự hoan nghênh của nhiều quốc gia. Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry khẳng định, việc Quốc hội Libya thông qua danh sách thành viên Chính phủ lâm thời là một “tín hiệu mừng”, là bước đi quan trọng hướng tới sự ổn định, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Libya. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian nhận định Libya đã có “một bước tiến lớn”, trong khi người đồng cấp Đức Heiko Maas gọi đây là “diễn biến tuyệt vời”. Ông Ayman Safadi, Bộ trưởng Ngoại giao Jordan ca ngợi động thái này sẽ giúp ổn định tình hình tại Libya trong tương lai.

Trong một tuyên bố đại diện cho 27 nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU), Cao ủy phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell nhấn mạnh: “Đây là bước đột phá mang nhiều ý nghĩa, tạo điều kiện thuận lợi để đoàn kết lại các thể chế tại Libya và đưa nước này tới cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 24-12 tới”. Ông Borrel cũng kêu gọi “tất cả các bên liên quan ở Libya cần bảo đảm chuyển giao quyền lực kịp thời và suôn sẻ cho chính phủ đoàn kết dân tộc. Đây là thời cơ lịch sử để người dân Libya chung sức tái thiết đất nước hòa bình, ổn định và đoàn kết, đồng thời khôi phục chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. EU sẽ sử dụng các công cụ trừng phạt đối với những phần tử phá hoại” tiến trình hòa bình tại Libya”.

Ngày 13-3, Thủ tướng lâm thời của Libya đã tổ chức cuộc họp đầu tiên với Văn phòng Chính phủ. Theo thông báo của cơ quan thông tin Chính phủ Libya, cuộc họp nhằm mục đích phát triển “một kế hoạch công tác của Văn phòng Chính phủ, điều phối hoạt động của các bộ và thể chế công cộng thuộc chính phủ đoàn kết dân tộc”.

CNN cho biết, sau khi được thành lập, Chính phủ lâm thời sẽ thay thế hai chính quyền hiện nay tại Libya, gồm Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) được LHQ công nhận và lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar ở miền đông. Theo kế hoạch, Chính phủ lâm thời sẽ tập trung vào ba nhóm chủ chốt, gồm nhiệm vụ đối phó các thách thức từ đại dịch Covid-19, xử lý vấn đề cung cấp điện và tìm cách đoàn kết người dân thông qua Hội đồng Hòa giải dân tộc.

Giới phân tích cho rằng, với những mục tiêu trên, Chính phủ lâm thời tại Libya sẽ đối mặt nhiều khó khăn, đặc biệt là cuộc khủng hoảng kinh tế dai dẳng, thất nghiệp trầm trọng, dịch vụ công kiệt quệ và lạm phát phi mã. Tuy nhiên, việc Libya thành lập được Chính phủ lâm thời có thể xem là bước đà để giải quyết các thách thức nêu trên.