Thử thách của Tổng thống Belarus

Kết quả chính thức cuộc bầu cử Hạ viện Belarus công bố ngày 18-11 cho thấy, các chính đảng ủng hộ Tổng thống Alexander Lukashenko (trong ảnh) đã chiến thắng vang dội, giành toàn bộ 110 ghế tại Hạ viện khóa mới. Ông Lukashenko cũng tuyên bố tiếp tục tranh cử tổng thống năm 2020, song đứng trước thử thách phải “tự làm mới” sau hơn 25 năm nắm quyền.

Ảnh: AFP
Ảnh: AFP

Cuộc bầu cử Hạ viện Belarus diễn ra ngày 17-11 vừa qua có tỷ lệ cử tri đi bầu đạt mức 77%. Kết quả kiểm phiếu cho thấy không ứng cử viên nào của phe đối lập giành được ghế tại Hạ viện. Năm 2016, lần đầu sau 20 năm tại Belarus có hai ứng cử viên phe đối lập đã được bầu vào Hạ viện. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử năm nay, phe đối lập đã ra về trắng tay.

Có hơn 300 ứng cử viên phe đối lập tham gia cuộc bầu cử Hạ viện lần này, nhưng các đảng thân Tổng thống Lukashenko vẫn chiếm ưu thế. Kết quả cho thấy sự ủng hộ của cử tri đối với nhà lãnh đạo hiện nay vẫn ở mức cao. Vừa qua, ông đã tuyên bố tái tranh cử tổng thống trong năm 2020 với khẳng định “sẽ chỉ ở lại cương vị này nếu người dân vẫn còn sự tín nhiệm”.

Đầu tháng 7 vừa qua, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (65 tuổi) cũng vừa kỷ niệm 25 năm nắm quyền tại Belarus. Ông Lukashenko từng điều hành một nông trường quốc doanh, được bầu làm Tổng thống Belarus vào ngày 10-7-1994. Sau nhiều năm lãnh đạo đất nước, ông còn được báo giới nước này ưu ái gọi là “Cha đẻ của Belarus hiện đại”, hay “Batka”, có nghĩa là một người cha, chú. Phong cách lãnh đạo của ông Lukashenko cũng được đánh giá mang đậm dấu ấn cá nhân và gần gũi với cử tri.

Tuy vậy, trong lĩnh vực đối ngoại, Belarus từng trải qua giai đoạn khó khăn khi là mục tiêu trừng phạt của phương Tây. Quan hệ giữa Belarus và Liên hiệp châu Âu (EU) đã bị “đóng băng” suốt một thập kỷ và mới có dấu hiệu cải thiện vài năm gần đây. Đó là khi mâu thuẫn giữa Nga và châu Âu nổ ra sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập Nga năm 2014. Ông Lukashenko đã giữ lập trường trung lập, đồng thời nỗ lực tổ chức các cuộc đàm phán giải quyết tình hình xung đột Ukraine tại Thủ đô Minsk của Belarus vào năm 2015, qua đó giúp cho quan hệ giữa Minsk và châu Âu dần cải thiện.

Động thái làm cầu nối trung gian hòa giải đã giúp uy tín quốc tế của Tổng thống Lukashenko tăng lên. Ông cũng chủ trương nhiều chính sách mềm dẻo hơn với EU, nhờ vậy năm 2016, EU đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Minsk. Mối quan hệ của ông Lukashenko với phương Tây hiện nay đã “nồng ấm” lên nhiều so thời kỳ ông mới nhậm chức.

Tuy vậy, người đứng đầu Chính phủ Belarus vẫn luôn tìm cách duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga. Belarus là một thành viên sáng lập của Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), một trong những dự án chiến lược với nỗ lực tăng cường tự do thương mại và phát triển kinh tế của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tháng 12 tới, hai nhà lãnh đạo Nga và Belarus cũng dự kiến kỷ niệm 20 năm ngày ký Hiệp ước liên minh, đánh dấu sự gắn kết chặt chẽ giữa hai quốc gia.

Hiện nay, Tổng thống Lukashenko đang phải nỗ lực cân bằng mối quan hệ giữa nước này với đồng minh truyền thống là Nga và bên kia là phương Tây. Các chuyên gia cho rằng, Tổng thống Lukashenko cần tìm kiếm và phát triển những mối quan hệ kinh tế mới với Mỹ và châu Âu, trong khi vẫn cần bảo đảm quan hệ chặt chẽ với Moscow nhằm duy trì các chính sách ổn định chính trị, kinh tế và thương mại.

Thời gian 25 năm nắm quyền đã giúp nhà lãnh đạo đất nước Đông Âu có được kinh nghiệm chính trị dày dặn và sự tín nhiệm cao của cử tri. Trong bối cảnh sự ủng hộ trong nước vẫn ổn định và uy tín quốc tế tăng lên, ông Lukashenko đã thông báo quyết định tham gia tái tranh cử tổng thống để tìm kiếm thêm một nhiệm kỳ mới. Thế nhưng, giới quan sát nhận định rằng thử thách đối với ông Lukashenko trước thềm cuộc đua đến chiếc ghế tổng thống vào năm 2020 cũng chính là làm mới hình ảnh của mình cũng như những quyết sách phát triển đất nước, khi tình hình trong nước và thế giới đã chứng kiến nhiều biến động so hơn hai thập niên trước đây.