Thông điệp ổn định

Tòa án Hiến pháp Syria hôm 3-5 đã phê chuẩn đơn tranh cử của ba ứng cử viên tham gia cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến vào ngày 26-5 tới. Sự kiện chính trị quan trọng này diễn ra trong bối cảnh Syria đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là cải cách kinh tế và tái thiết đất nước do xung đột tàn phá.

Quốc hội Syria công bố danh sách các ứng cử viên Tổng thống. Ảnh: AFP
Quốc hội Syria công bố danh sách các ứng cử viên Tổng thống. Ảnh: AFP

Trước đó, ngày 28-4, các nhà lập pháp Syria đã hoàn tất việc bỏ phiếu cho các ứng cử viên Tổng thống. Hiến pháp nước này quy định, ứng cử viên đủ điều kiện tranh cử là người phải tập hợp được sự ủng hộ của ít nhất 35 thành viên trong số 250 nghị sĩ Quốc hội và mỗi nhà lập pháp chỉ được phép ủng hộ một ứng cử viên. 

Ba nhân vật được Tòa án Hiến pháp Syria chính thức chấp thuận tham gia tranh cử là đương kim Tổng thống Bashar al-Assad, cựu thành viên chính phủ Abdallah Saloum Abdallah và ông Mahmoud Ahmed Marei - người đứng đầu một đảng đối lập ôn hòa ở Syria. Theo thông báo của giới chức Syria, những ứng cử viên khác bị loại vì “không đáp ứng các yêu cầu theo Hiến pháp và quy định”, song vẫn có thể kháng cáo cho đến hạn cuối vào ngày 7-5. Theo Reuters, nhiều ứng cử viên của các đảng đối lập lưu vong trên thực tế đã bị loại, do luật bầu cử quy định các ứng cử viên phải sống ở Syria liên tục trong 10 năm qua. 

Đương kim Tổng thống al-Assad (55 tuổi) được nhiều người kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn dắt Syria. Ông al-Assad lên nắm quyền vào năm 2000 sau cái chết của cha mình là ông Hafez al-Assad, người trước đó cũng đã lãnh đạo quốc gia Tây Á này trong suốt 30 năm. Trong thời gian tại nhiệm, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã phải trải qua hơn 10 năm chiến tranh và sự đe dọa của khủng bố, cực đoan. Bạo lực đã khiến hàng trăm nghìn người Syria thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Mặc dù vậy, chính quyền của ông al-Assad đã giành lại quyền kiểm soát phần lớn đất nước và duy trì bộ máy nhà nước hoạt động bình thường bất chấp chiến tranh tiếp tục diễn ra. 

Nếu trúng cử, đây sẽ là nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp của ông al-Assad. Người dân Syria đã trải qua các cuộc trưng cầu ý dân vào năm 2000 và 2007 để quyết định việc ông al-Assad có thể lãnh đạo hay không. Năm 2014, lần đầu tiên Syria tổ chức bầu Tổng thống và có hai trong số 24 ứng cử viên được phép tranh cử hợp lệ, song ông al-Assad đã dễ dàng giành thắng lợi trong cuộc đua được đánh giá là không cân sức này. Lý do ông giành được sự ủng hộ là do đã vững vàng chèo lái đất nước Syria trong việc bảo vệ an ninh và lãnh thổ quốc gia trước sức ép mạnh mẽ từ các thế lực bên ngoài, cũng như sự đối phó hiệu quả cuộc chiến chống khủng bố và các nhóm Hồi giáo cực đoan. 

Khác lần trước, cuộc bầu cử Tổng thống lần này diễn ra trong bối cảnh xung đột tại Syria đã bước sang năm thứ 11 khiến nền kinh tế nước này gần như kiệt quệ. Tính đến năm 2020, Syria là quốc gia có số người tị nạn lớn nhất, với 6,6 triệu người phải rời khỏi đất nước kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Trong lần thứ hai tổ chức bầu cử tổng thống, giới phân tích đánh giá điều cử tri Syria quan tâm nhất hiện nay là môi trường chính trị - an ninh - xã hội được bảo đảm ổn định để cải thiện kinh tế. Vì vậy, chính quyền Tổng thống al- Assad đã thực hiện hàng loạt chính sách cải cách kinh tế nhằm vực dậy điều kiện sống của người dân Syria, trong đó có tăng lương, loại bỏ các nhà đầu cơ tiền tệ, điều chỉnh tỷ giá hối đoái… 

Giới chức Syria cam kết cuộc bầu cử sắp tới diễn ra công bằng, minh bạch và các quan sát viên quốc tế từ Algeria, Oman, Nga, Iran, Venezuela, Cuba, Nam Phi… sẽ tới giám sát. Chiến dịch tranh cử bắt đầu từ ngày 11-5, công dân Syria ở nước ngoài có thể bỏ phiếu tại đại sứ quán vào ngày 20-5 và cử tri trong nước chính thức đi bầu vào ngày 26-5.