Thay đổi trên chính trường Tunisia

Ông Hichem Mechichi (trong ảnh) vừa được Tổng thống Kais Saied bổ nhiệm làm Thủ tướng Tunisia sau khi người tiền nhiệm là ông Elyes Fakhfakh từ chức. Tân Thủ tướng dự kiến có 30 ngày để thành lập một chính phủ mới nhằm khỏa lấp những bất đồng hiện nay trên chính trường.

Ảnh: REUTERS
Ảnh: REUTERS

Ngày 25-7 vừa qua, Tổng thống Tunisia Kais Saied đã chỉ định Bộ trưởng Nội vụ Hichem Mechichi làm thủ tướng mới của nước này. Quyết định bổ nhiệm được đưa ra sau khi người tiền nhiệm Elyes Fakhfakh đệ đơn từ chức ngày 15-7. Ông Fakhfakh ra đi cũng trong bối cảnh ông và đảng Ennahdha cầm quyền có những mâu thuẫn và xung đột lợi ích ngày càng sâu sắc kể từ cuộc bầu cử Quốc hội tháng 10-2019. 

Việc ông Fakhfakh từ chức chỉ chưa đầy 5 tháng sau khi nhậm chức được dự báo đẩy Tunisia vào một cuộc khủng hoảng chính trị. Do đó, truyền thông Tunisia cho rằng, cần tìm kiếm một người đứng đầu chính phủ có năng lực, sức thuyết phục và trên hết là ít có sự liên quan một trong những đảng chính trị có ảnh hưởng, bởi trên chính trường Tunisia đang rơi vào tình trạng bất đồng giữa các đảng phái.

Trong khi đó, ông Mechichi (46 tuổi) là một nhân vật độc lập, không phải thành viên của bất cứ đảng phái chính trị nào. Trước đó, ngoài giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, ông Mechichi là cố vấn cho Tổng thống Kais Saied về các vấn đề pháp lý. Ông cũng từng đảm nhiệm vị trí Chánh văn phòng tại Bộ Giao thông, cũng như làm việc tại Bộ Các vấn đề xã hội. Sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Mechichi dự kiến có 30 ngày để thành lập một chính phủ mới. Sau đó, chính phủ của ông sẽ phải trải qua một cuộc bỏ phiếu của các thành viên Quốc hội Tunisia. Trong trường hợp chính phủ mới không nhận được sự tín nhiệm với đa số phiếu ủng hộ của thành viên Quốc hội, Tổng thống Saied sẽ giải tán Quốc hội và kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử khác trong vòng ba tháng.

Phát biểu ý kiến với báo giới sau khi được bổ nhiệm, ông Hichem Mechichi bày tỏ cảm kích trước sự tín nhiệm của Tổng thống, đồng thời khẳng định cương vị mới là trách nhiệm và thách thức lớn, đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại của đất nước. Ông Mechichi cũng cam kết sẽ “làm việc để thành lập một chính phủ đáp ứng mọi mong đợi của người dân Tunisia”.

Theo AP, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Tunisia chỉ có chưa đến 1.400 ca mắc và khoảng 50 trường hợp tử vong cho đến nay. Tuy nhiên, quốc gia này bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế và xã hội từ việc đóng cửa biên giới. Các nhà phân tích dự báo, GDP của quốc gia Bắc Phi sẽ giảm 6% trong năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp tại Tunisia cũng đang ghi nhận ở mức rất cao. Nhiều cuộc tuần hành yêu cầu chính phủ tăng cường việc làm hoặc hỗ trợ thất nghiệp đã xảy ra thời gian qua tại miền nam nước này. Không chỉ vậy, dù được Liên hiệp châu Âu (EU) bầu chọn vào danh sách các quốc gia an toàn để đi du lịch và đã mở lại biên giới thời gian gần đây, song các khách sạn và bãi biển của Tunisia hầu như không có khách, trong khi đó, ngành này chiếm tới 14% GDP quốc gia. Chưa kể, trong gần 10 năm qua, 9 chính phủ nối tiếp nhau ở quốc gia này đã không giải quyết được các vấn đề kinh tế, trong khi các tổ chức tài chính quốc tế cho Tunisia vay để hỗ trợ các cải cách đang mất dần sự kiên nhẫn. Chương trình của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm hỗ trợ Tunisia 2,8 tỷ USD, kết thúc vào tháng 4-2020, đã bị đình chỉ sau khi chỉ có 1,6 tỷ USD được giải ngân do một số đòi hỏi cải cách mà IMF yêu cầu đã không được thực hiện.

Giới phân tích cho rằng, dù ông Mechichi và chính phủ của ông có thể vượt qua cuộc bỏ phiếu sắp tới hay không, thách thức dành cho chính phủ tiếp theo của Tunisia vẫn là vô cùng lớn, đòi hỏi quốc gia này phải có những kế hoạch, chính sách dài hạn. Bởi thực tế ở nước này cho thấy những khó khăn không thể giải quyết trong “một sớm, một chiều”.