Thách thức lớn của Chính phủ Mali

Căng thẳng chính trị đang leo thang tại Mali sau khi cảnh sát trấn áp mạnh tay những người phản đối chính quyền Tổng thống Ibrahim Boubacar Keïta. Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, ngăn chặn bạo lực, thành lập chính phủ liên hiệp và giải quyết nạn tham nhũng là những nhiệm vụ ưu tiên mà Chính phủ Mali cần làm ngay nhằm chấm dứt bất ổn hiện nay.

Lực lượng đối lập yêu cầu Tổng thống Ibrahim Keïta (ảnh) từ chức. Ảnh: NEW YORK TIMES
Lực lượng đối lập yêu cầu Tổng thống Ibrahim Keïta (ảnh) từ chức. Ảnh: NEW YORK TIMES

Mali đã trải qua tám năm khủng hoảng, bắt đầu với việc các phiến quân nắm quyền kiểm soát miền bắc nước này năm 2012, khiến bạo lực lan rộng và tình hình kinh tế - xã hội ngày càng bấp bênh. Mặc dù Pháp cùng Nhóm G5-Sahel (gồm Burkina Faso, CH Chad, Mali, Mauritania và Niger) đã hợp tác, hỗ trợ Mali chống khủng bố và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bạo lực lan rộng, sự thiếu minh bạch và yếu kém trong công tác chống tham nhũng của chính quyền, lại thêm ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 đã khiến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của Mali trở nên trầm trọng hơn. 

Trong bối cảnh đó, hàng chục nghìn người đã tập trung diễu hành ôn hòa vào ngày 5 và 19-6 dưới sự lãnh đạo của “Phong trào M5” yêu cầu bãi nhiệm Tổng thống Keïta. “Trong vai trò người lãnh đạo đất nước, ông Keïta đã thất bại và phải từ chức”, ông Cheick Oumar Sissoko, cựu Bộ trưởng Văn hóa nhấn mạnh. Ông Sissoko cũng là thành viên cốt cán trong Phong trào M5, một liên minh gồm các chính trị gia đối lập, nhà lãnh đạo tôn giáo và nhiều tổ chức xã hội. Những người biểu tình cáo buộc chính quyền hiện nay yếu kém khi liên tiếp để xảy ra các cuộc tiến công thánh chiến, bạo lực sắc tộc, tham nhũng tràn lan, kinh tế suy thoái và thiếu trầm trọng các dịch vụ công thiết yếu. Tuần hành đã biến thành bạo động khiến cảnh sát phải tiến hành các biện pháp trấn áp. Ít nhất 11 người biểu tình đã thiệt mạng tại Thủ đô Bamako cuối tuần trước. Tuy nhiên, người biểu tình vẫn giữ thái độ kiên quyết tiếp tục yêu cầu tổng thống nước này từ chức.

Ngày 10-7 vừa qua, các lãnh đạo của Phong trào M5 đã kêu gọi hàng nghìn người tập hợp chung quanh các thánh đường Hồi giáo trên toàn quốc để cầu nguyện cho những người đã thiệt mạng, đồng thời tiếp tục thực hiện một loạt các cuộc tuần hành phản đối chính quyền Tổng thống Keïta. Tuy nhiên, thay vì hoạt động đối thoại và hòa giải, lực lượng an ninh quốc gia vẫn sử dụng vũ lực. Chuyên gia Boubacar Sangaré thuộc Viện Nghiên cứu an ninh ở Thủ đô Bamako cho biết: “Việc lực lượng an ninh trấn áp bằng vũ lực khiến nhiều người diễu hành thiệt mạng là hành động vượt quá giới hạn. Điều đó chỉ làm gia tăng khủng hoảng và gây ra sự bất bình của người dân”.

Trong một tuyên bố chung mới nhất đưa ra ngày 13-7, các tổ chức quốc tế lớn như LHQ, Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (Ecowas), Liên minh châu Phi (AU) và Liên hiệp châu Âu (EU) đã lên án việc cảnh sát Mali sử dụng vũ lực gây chết người, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế. Theo thông tin từ báo chí Mali, một nhóm trọng tài viên quốc tế do cựu Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan dẫn đầu đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Keïta vào ngày 14-7, rồi sau đó gặp gỡ các nhà lãnh đạo và những người ủng hộ Phong trào M5. 

Các nhà lãnh đạo Phong trào M5 đã đưa ra một số yêu sách, bao gồm giải thể cả Tòa án Hiến pháp và Quốc hội. Ngoài ra, chính quyền của Tổng thống Keïta tiến hành một cuộc chuyển tiếp. Một nhà lãnh đạo mới sẽ được lựa chọn trong danh sách do Phong trào M5 đề cử và đứng ra thành lập chính phủ mới. Trước đó, ngày 11-7, Tổng thống Keïta cũng từng tuyên bố toàn quốc sẽ giải thể Tòa án Hiến pháp, tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc bầu cử mới và sớm thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc, gồm cả phe đối lập, đồng thời siết chặt kiểm soát nạn tham nhũng, vốn làm thất thoát gần 5% ngân sách quốc gia này hằng năm. 

Trên thực tế, các hoạt động của chính phủ quốc gia Tây Phi này đã bị đình trệ trong hơn một tháng qua. Nguyên nhân là do Thủ tướng Boubou Cissé thất bại trong việc thành lập một chính phủ liên minh mới. Việc thành lập chính phủ mới đến nay càng gặp nhiều trở ngại sau sự đàn áp của cảnh sát với lực lượng đối lập. Giới quan sát cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là các bên liên quan có thể đối thoại với nhau nhằm xoa dịu bất ổn.