Thách thức của tân lãnh đạo Công đảng Anh

Công đảng Anh đã lựa chọn nhà lãnh đạo mới là ông Keir Starmer (trong ảnh), cựu Giám đốc Cơ quan công tố và người phát ngôn về vấn đề Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit. Ông Starmer sẽ phải đối mặt một số thách thức như gắn kết các thành viên trong Công đảng và xử lý vụ rò rỉ báo cáo nội bộ, cho thấy sự thiếu sót khi xử lý các khiếu nại liên quan tư tưởng bài xích người Do Thái.

Ảnh: BUSINESS INSIDER
Ảnh: BUSINESS INSIDER

Theo giới phân tích, luật sư Keir Starmer, 57 tuổi, được các chính khách Công đảng đánh giá là người khôn khéo, có năng lực chính trị và đáng tin cậy. Tháng 4-2002, ông Starmer được bổ nhiệm làm luật sư của Nữ hoàng Anh khi mới 39 tuổi. Tới tháng 7-2008, ông giữ chức Giám đốc Cơ quan công tố. Trong thời gian này, ông Starmer từng có nhiều hành động quyết liệt, đặc biệt là vụ án liên quan ông Chris Huhne, cựu Bộ trưởng Năng lượng đầu tiên trong lịch sử Anh buộc phải từ chức do bị truy tố hình sự. Sau đó, ông nhanh chóng được bổ nhiệm vào một số vị trí quan trọng, như Bộ trưởng phụ trách vấn đề nhập cư…

Vượt qua hai đối thủ là người phát ngôn về hoạt động kinh doanh của Công đảng Rebecca Long-Bailey và nghị sĩ Lisa Nandy, ông Starmer đã trở thành lãnh đạo mới của đảng này với 56,2% số phiếu ủng hộ, thay thế người tiền nhiệm Jeremy Corbyn. Nắm giữ trọng trách là người đứng đầu một đảng, nhiệm vụ trước mắt của tân thủ lĩnh Starmer là gắn kết các thành viên và vực dậy uy tín của Công đảng sau thất bại trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 12-2019. Tại cuộc tổng tuyển cử này, Công đảng đã để mất tới 59 ghế và chỉ còn giữ 203 ghế tại Hạ viện Anh gồm 650 ghế. Đó cũng là nguyên nhân khiến người tiền nhiệm Jeremy Corbyn phải từ chức, dù được đánh giá là người đã biến đổi Công đảng mạnh mẽ khỏi nền tảng trung dung kể từ năm 2015.

Ngay sau khi được bầu, tân lãnh đạo Công đảng Starmer nhấn mạnh: “Chúng ta không thể giành ưu thế trước các thành viên đảng Bảo thủ trong nhiều vấn đề nếu nội bộ tiếp tục mâu thuẫn với nhau. Bởi vậy, phải chấm dứt chia rẽ trong đảng”.

Mặc dù vậy, khó khăn lớn nhất của ông Starmer chính là vụ bê bối liên quan việc rò rỉ báo cáo về chủ nghĩa bài Do Thái trong nội bộ đảng này. Báo cáo dài 860 trang là kết quả của một cuộc điều tra nội bộ đảng liên quan tư tưởng bài xích người Do Thái. Trong đó có khoảng 10.000 email, hàng nghìn tin nhắn trao đổi có nội dung kỳ thị người Do Thái trên ứng dụng WhatsApp. Sau khi được đăng tải lần đầu trên trang Sky News (Anh), nội dung các tin nhắn đã gây sốc, nhất là khi chúng được cho là đến từ tài khoản của các thành viên cấp cao của Công đảng.

Vào tháng 5-2019, sau khi nhận được một số khiếu nại từ các tổ chức phi chính phủ chống chủ nghĩa bài Do Thái, Ủy ban Bình đẳng & Nhân quyền (EHRC) của Anh đã tiến hành một cuộc điều tra về chủ nghĩa bài Do Thái trong đảng này. Cuộc điều tra đã làm sáng tỏ hơn 34 vụ trong số hơn 300 khiếu nại liên quan vấn đề bài xích người Do Thái trong khoảng thời gian từ ngày 1-11-2016 đến ngày 19-2-2018. Mặc dù vậy, kết quả điều tra cũng khẳng định ít nhất một nửa trong số 300 trường hợp liên quan các hành động cực đoan bài Do Thái đã bị bỏ qua, đồng thời cho thấy những nỗ lực của cựu lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn nhằm xử lý các trường hợp bài xích người Do Thái, bất chấp một số thành viên trong đảng gây cản trở.

Ngày 13-4 vừa qua, nhà lãnh đạo mới của Công đảng đã tiến hành một cuộc điều tra độc lập, tập trung vào nguyên nhân báo cáo nói trên bị rò rỉ, những nội dung điều tra trong nội bộ đảng và các tài liệu này tác động tới cộng đồng như thế nào. “Trong lúc này, chúng tôi yêu cầu người dân quan tâm vụ việc nên kiềm chế, không đưa ra kết luận trước khi cuộc điều tra hoàn tất. Tôi muốn người ủng hộ Công đảng tin tưởng rằng chúng tôi sẽ diệt trừ tận gốc rễ chủ nghĩa bài Do Thái trong đảng”, ông Starmer phát biểu ý kiến trước báo giới.

Không chỉ liên quan uy tín của Công đảng, ông Starmer hiểu rõ tầm quan trọng trong việc lấy lại lòng tin của cử tri, đặc biệt là cộng đồng cử tri người Do Thái, nếu muốn giành được đa số phiếu trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào năm 2024.