Thách thức an ninh của Philippines

CNN ngày 22-3 vừa qua cho biết, Majan Sahidjuan (còn có tên khác là Apo Mike), thủ lĩnh nhóm phiến quân Abu Sayyaf đã bị quân đội Philippines tiêu diệt. Đây được xem là bước tiến mới trong cuộc chiến chống khủng bố tại quốc gia Đông - Nam Á.

Hiện trường một vụ tiến công khủng bố do Abu Sayyaf tiến hành tại Philippines. Ảnh: AP
Hiện trường một vụ tiến công khủng bố do Abu Sayyaf tiến hành tại Philippines. Ảnh: AP

Ngày 22-3, quân đội Philippines thông báo đã tiêu diệt thủ lĩnh của Abu Sayyaf cùng hai kẻ đồng phạm, giải cứu bốn trong số năm người Indonesia bị nhóm Abu Sayyaf bắt cóc vào ngày 17-1-2020. Một trong số đó bị phiến quân sát hại khi cố gắng tìm cách trốn thoát. Trung tướng Corleto Vinluan Jr. cho biết, Majan Sahidjuan đã bị thương trong một cuộc đấu súng với lực lượng lính thủy đánh bộ Philippines vào ngày 20-3 tại thị trấn Languyan, tỉnh Tawi Tawi, phía nam Philippines và thiệt mạng sau đó vì vết thương quá nặng. Ông Vinluan khẳng định: “Chúng tôi đã vô hiệu hóa tên thủ lĩnh khét tiếng cùng đồng bọn. Rất vui vì hiện tại tất cả con tin đều an toàn”.

Theo CNN, ngày 18-3 vừa qua, Majan Sahidjuan và bốn đối tượng khác trong nhóm Abu Sayyaf đang đi thuyền cùng các con tin người Indonesia từ tỉnh Sulu đến đảo Tambisan ở bang Sabah của Malaysia, nơi chúng dự định trao đổi con tin để lấy khoản tiền chuộc 5 triệu peso (tương đương 104.000 USD). Tuy nhiên, do gặp sóng lớn, thuyền của nhóm đối tượng này bị lật. Sự việc này giúp quân đội Philippines có cơ hội giải cứu ba trong số bốn con tin. Con tin cuối cùng được tìm thấy tại thị trấn Languyan, nơi diễn ra cuộc đấu súng. 

Majan Sahidjuan bị quân đội Philippines cáo buộc là chủ mưu trong một số vụ bắt cóc của nhóm Abu Sayyaf vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Tên này đã tham gia các vụ đánh bom và cướp biển trong nhiều thập kỷ. Y cũng nằm trong danh sách 21 cá nhân bị Bộ Tư lệnh an ninh Đông Sabah (Esscom) của Malaysia truy nã, vì tham gia tích cực vào các tội ác xuyên biên giới, bao gồm bắt cóc, trong Khu vực An toàn Đông Sabah (Esszone). 

Trong khi đó, tổ chức Abu Sayyaf bị chính quyền Mỹ và Philippines liệt vào danh sách khủng bố, cũng là nhóm gây ra nhiều vụ tiến công khủng bố nghiêm trọng nhất trong lịch sử Philippines. Kể từ năm 2014, Abu Sayyaf  đã tuyên bố trung thành với tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Hiện nay, ước tính Abu Sayyaf chỉ còn gần 100 tay súng nhưng vẫn chống trả quyết liệt nhiều đợt truy kích của quân đội Philippines. Nhóm này được cho là ẩn náu trong đồi núi, rừng rậm ở các hòn đảo phía nam Philippines. Giới phân tích cho rằng, Abu Sayyaf vẫn tập trung vào hoạt động bắt cóc đòi tiền chuộc hơn là thiết lập cái gọi là một “Nhà nước Hồi giáo” ở khu vực Đông - Nam Á.

Theo CNN, cuộc chiến chống khủng bố của Philippines với các nhóm vũ trang có liên quan IS bắt đầu nổ ra vào năm 2017, khi lực lượng nổi dậy tràn vào TP Marawi, thuộc đảo Mindanao, miền nam Philippines. Kể từ đó, lực lượng an ninh Philippines đã phải tiến hành hàng loạt chiến dịch phản kích quy mô lớn. Theo thống kê, các cuộc giao tranh ác liệt đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, trong đó có nhiều binh sĩ và thường dân.

Tháng 7-2020, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ký ban hành Luật Chống khủng bố sửa đổi nhằm thay thế luật chống khủng bố ban hành năm 2007. Theo Luật Chống khủng bố mới của Philippines, những đối tượng có hành vi xúi giục, kích động, hoặc âm mưu, tham gia lên kế hoạch, huấn luyện, chuẩn bị cho các vụ tiến công khủng bố, cũng như những đối tượng cung cấp tài chính và phụ trách tuyển mộ thành viên cho các tổ chức khủng bố sẽ phải chịu mức án 12 năm tù giam, trong khi các đối tượng tự nguyện gia nhập một tổ chức khủng bố cũng đối mặt mức án tương tự. Ngoài ra, những đối tượng bị buộc tội âm mưu tiến hành khủng bố sẽ phải chịu mức án chung thân không ân xá. Luật mới cũng mở đường cho việc thành lập một hội đồng chống khủng bố, có nhiệm vụ thực thi pháp luật. 

Người dân hy vọng những nỗ lực truy quét khủng bố của Chính phủ Philippines sẽ sớm giải quyết thách thức lớn nhất về an ninh ở quốc gia này.