Sóng gió trên chính trường Kyrgyzstan

Ngày 15-10 vừa qua, ông Sooronbay Jeenbekov (trong ảnh), Tổng thống CH Kyrgyrstan đã tuyên bố từ chức sau nhiều ngày đối mặt làn sóng phản đối của các lực lượng đối lập và đông đảo người dân. Với những diễn biến phức tạp trên chính trường Kyrgyrstan hiện nay, người kế nhiệm ông Jeenbekov chắc chắn phải giải quyết nhiều thách thức nhằm khôi phục ổn định và phát triển đất nước.

Ảnh: EGYPT INDEPENDENT
Ảnh: EGYPT INDEPENDENT

Theo Reuters, trong tuyên bố từ chức, Tổng thống Jeenbekov cho rằng, ông quyết định từ chức để ngăn chặn bạo lực, điều khó tránh khỏi nếu tình trạng bất ổn leo thang: “Tôi không muốn đi vào lịch sử Kyrgyzstan với tư cách là một Tổng thống gây ra đổ máu cho chính người dân nước mình”. Như vậy, theo Hiến pháp của Kyrgyzstan, một cuộc bầu cử Tổng thống mới sẽ được tiến hành trong vòng ba tháng tới. Thủ tướng Sadyr Japarov (51 tuổi) sẽ đảm nhiệm vị trí quyền Tổng thống.

Ông Jeenbekov trở thành Tổng thống thứ ba của quốc gia Trung Á phải từ chức do sự phản đối của quần chúng kể từ năm 2005. Trong 29 năm kể từ khi giành độc lập, các lực lượng dân chủ và đông đảo nhân dân đã ba lần tham gia vào những thay đổi trong thể chế chính trị tại Kyrgyzstan. Đầu tiên là “Cách mạng hoa Tulip” năm 2005, lật đổ Tổng thống Askar Akayev do cử tri bất bình về tình trạng tham nhũng trong chính phủ và phản đối cuộc bầu cử Quốc hội thiếu công bằng, minh bạch. Năm 2010, làn sóng phản đối chính phủ và bạo lực sắc tộc đã nổ ra khiến Tổng thống Kurmanbek Bakiyev phải từ chức. Ngoài lên án tình trạng tham nhũng, các cuộc diễu hành năm 2010 còn được châm ngòi do làn sóng bạo lực sắc tộc giữa người Kyrgyzstan và người Uzbekistan ở miền nam đất nước. 

Biến động chính trị gần đây dưới thời Tổng thống Jeenbekov bắt nguồn từ cuộc bầu cử Quốc hội gây tranh cãi, được tổ chức ngày 4-10 vừa qua. Theo đó, Kyrgyzstan tiến hành bầu cử Quốc hội gồm 120 ghế. Theo kết quả sơ bộ, chỉ có bốn đảng trong tổng số 16 đảng tranh cử giành hơn 7% số phiếu ủng hộ để có đại diện trong cơ quan lập pháp. Unity, một đảng mới có liên hệ mật thiết với Tổng thống Jeenbekov, đã về nhất trong cuộc bầu cử. Tuy nhiên, điểm bất thường nằm ở việc đảng này đã giành được tới gần 25% số phiếu bầu, thành tích vượt quá xa so quy mô của một đảng mới thành lập. Nhiều người phản đối kết quả bầu cử, cho rằng có nhiều vi phạm trong bầu cử, dẫn tới bùng phát làn sóng biểu tình bạo lực khiến một người thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Sau thất bại trong cuộc bầu cử, các đảng đối lập vẫn chưa có được một thỏa thuận thống nhất mà chia làm hai lực lượng chính. Đầu tiên, một nhóm các đảng đối lập đã thành lập một Hội đồng điều phối, đứng đầu là ông Sadyr Japarov, hiện giữ vị trí Thủ tướng và quyền Tổng thống sau khi ông Jeenbekov từ chức. Trong khi đó, nhóm thứ hai gồm các đảng đối lập như Respublika, Reforma, Ata Meken và Bir Bol cũng thành lập một Hội đồng điều phối thứ hai để điều hành đất nước. Họ yêu cầu giải tán Quốc hội của nước cộng hòa và tuyên bố rằng, họ sẽ không công nhận thủ tướng mới Sadyr Japarov. Ngày 9-10, bạo lực đã nổ ra giữa những người ủng hộ ông Japarov và lực lượng ủng hộ phe đối lập ở trung tâm Thủ đô Bishkek. 

Căng thẳng leo thang buộc Ủy ban Bầu cử trung ương Kyrgyzstan phải hủy bỏ kết quả bầu cử. Trong nỗ lực chấm dứt khủng hoảng chính trị, Quốc hội Kyrgyzstan ngày 14-10 đã phê chuẩn chính trị gia Sadyr Japarov theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa giữ chức Thủ tướng quốc gia Trung Á này. 

Giới quan sát cho rằng, xung đột giữa các đảng phái trên chính trường Kyrgyzstan bắt nguồn từ các yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Người dân không hài lòng với nạn tham nhũng, tình trạng nợ nước ngoài chồng chất, kinh tế sa sút do dịch Covid-19... Trong khi đó, cũng không loại trừ sự can thiệp sự can thiệp từ bên ngoài nhằm thâu tóm những lợi ích nào đó. Hiện các hành động phản đối vẫn diễn ra do những người biểu tình không có một nhà lãnh đạo chính trị nào có thể bày tỏ quan điểm chung. Các đảng phái đối lập chưa có được sự thống nhất, có tới ít nhất hai Hội đồng điều phối quốc gia được thành lập. Những điều đó khiến đất nước Trung Á gần như rơi vào tình trạng “vô chính phủ”.