“Sắc xanh” mới ở EU

Ban lãnh đạo mới của Liên hiệp châu Âu (EU), bao gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen; Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EUC), ông Charles Michel và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu ÂU (ECB) Christine Lagarde đã chính thức bắt đầu nhiệm kỳ mới từ ngày 1-12. Nhà lãnh đạo EC với chủ trương gắn liền tăng trưởng xanh với các chương trình nghị sự trong nhiệm kỳ sắp tới, được kỳ vọng mang lại những mầu sắc mới cho EU.

Ban lãnh đạo mới của EU nhậm chức. Ảnh: REUTERS
Ban lãnh đạo mới của EU nhậm chức. Ảnh: REUTERS

Bà Ursula Von der Leyen (61 tuổi), cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức và là người phụ nữ đầu tiên đảm nhận cương vị Chủ tịch EC. Theo kế hoạch, bộ máy quản lý mới của EC đã bắt đầu hoạt động từ ngày 1-11, song do Nghị viện châu Âu (EP) bác bỏ ba ứng cử viên trong danh sách đề cử khiến tiến trình này đã trì hoãn một tháng. Vừa qua, EP bỏ phiếu công nhận vai trò Chủ tịch EC của bà Von der Leyen cùng nhóm 26 ủy viên EC mới của bà, với 461 phiếu ủng hộ và 157 phiếu chống.

EC là cơ quan phụ trách đề xuất các quyết sách và vấn đề pháp lý ở EU, bao gồm ngân sách và an ninh mạng, đàm phán các thỏa thuận thương mại trên toàn thế giới. EC cũng đóng vai trò là cơ quan giám sát cạnh tranh của khối, kiểm duyệt và đề ra các quy tắc cho các doanh nghiệp đa quốc gia tại đây, bao gồm cả những “đại gia” công nghệ toàn cầu như Facebook, Google… Bởi vậy cơ quan này đang đứng trước nhiệm vụ cấp bách khi sắp phải đưa ra những quy định pháp lý cho các nền tảng kỹ thuật số ở châu Âu.

Trước khi nhậm chức, bà Leyen đã công bố những ưu tiên trong nhiệm kỳ 5 năm sắp tới bao gồm hàn gắn rạn nứt của EU trong vấn đề người di cư, đẩy mạnh cuôc chiến chống biến đổi khí hậu, giải quyết bất bình đẳng giới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế kỹ thuật số. Trong bài phát biểu của mình, bà cam kết các quyết sách sẽ “linh hoạt theo quy tắc của EU” để thúc đẩy nền kinh tế châu Âu phát triển.

Điểm đáng chú ý trong chương trình của ban lãnh đạo EU mới chính là đề xuất gắn liền tiêu chí phát triển bền vững, “tăng trưởng xanh” với tất cả chương trình nghị sự của khối này. Bà Leyen cho biết: “Chúng ta không thể lãng phí thời gian trong việc chống lại biến đổi khí hậu”. Việc gắn liền chính sách với “tăng trưởng xanh” ở EU có nghĩa là bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào của khối này cũng sẽ bao gồm các điều khoản bảo vệ môi trường. Tầm nhìn mới của khối cũng hướng đến việc Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) sẽ trở thành “ngân hàng khí hậu”.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo mới của EU đang đứng trước bộn bề khó khăn khi các công việc cũ còn chưa giải quyết xong, như vấn đề nước Anh rời EU (Brexit), cuộc khủng hoảng người di cư... Bà Leyen dự kiến sẽ trình bày đề xuất cải tổ các chính sách di cư của EU vào đầu năm 2020. Tuy nhiên, cho đến nay, lộ trình “ly hôn” giữa EU và nước Anh vẫn còn bỏ ngỏ và EU vẫn lo ngại một tiến trình Brexit gây nhiều thiệt hại. Trong lúc đó, bài toán cải cách kinh tế, xây dựng các nền tảng kỹ thuật số để không bị tụt lại trong cuộc đua trên không gian mạng cũng không dễ dàng giải quyết.

Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ của Chủ tịch EC sẽ càng phức tạp hơn khi thế đa số tại EP đang trở nên mong manh hơn hết kể từ khi liên minh truyền thống giữa nhóm đảng cánh hữu - đảng Nhân dân châu Âu (EPP) và nhóm đảng Xã hội - Dân chủ (S&D) cánh tả bị mất đa số tại EP. Đây là lý do bà Leyen phải tìm kiếm liên minh với những lực lượng mới đang nổi lên như đảng Renew và đảng Xanh.

Cùng việc cam đoan phát triển “kinh tế xanh”, ban lãnh đạo mới của EU cũng sẽ phải tìm ra phương án phù hợp nhằm cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với các tiêu chí chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là khi nhiều nền kinh tế thành viên EU vẫn sử dụng hoặc phụ thuộc phần lớn vào nhiên liệu hóa thạch. Ban lãnh đạo mới của EC vừa qua đã công bố dự kiến ngân sách trị giá 1.000 tỷ euro để đầu tư cho kế hoạch chuyển đổi và xây dựng “EU xanh”, qua đó kỳ vọng sẽ mang lại những mầu sắc mới cho nền kinh tế của “lục địa già”.