Pulitzer 2020 lên án bất công xã hội

Dù giải Pulitzer năm 2020 phải dời lịch lại hai tuần và tổ chức trực tuyến do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song kết quả của giải thưởng này nhất là lĩnh vực báo chí và văn học đã khiến công chúng cảm thấy hài lòng. Các bài viết lên án bất công xã hội như tiến công tình dục, sai phạm về hệ thống hành pháp, tham nhũng… là những tác phẩm đoạt giải quan trọng năm nay.

Ảnh về cuộc khủng hoảng ở khu vực Kashmir chiến thắng hạng mục "Ảnh đặc sắc" của giải Pulitzer 2020. Ảnh: AP
Ảnh về cuộc khủng hoảng ở khu vực Kashmir chiến thắng hạng mục "Ảnh đặc sắc" của giải Pulitzer 2020. Ảnh: AP

Le Monde cho biết, theo thông lệ, lễ trao giải thưởng Pulitzer được tổ chức tại Trường đại học Columbia, TP New York (Mỹ) vào giữa tháng 4 hằng năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như để các giám khảo có thêm thời gian đánh giá tác phẩm lọt vào vòng cuối, lễ trao giải Pulitzer năm 2020 đã phải lùi lịch lại hai tuần và tổ chức trực tuyến ngày 4-5 vừa qua trên nền tảng chia sẻ video YouTube.

Theo kết quả được công bố, năm nay, “Hành động vì cộng đồng” - hạng mục được coi là danh giá nhất của giải Pulitzer đã vinh danh hai tờ báo địa phương là Anchorage Daily NewsProPublica với loạt bài về tiến công tình dục tại một ngôi làng ở Alaska (Mỹ). Loạt bài này do nhà báo Kyle Hopkins và các cộng sự tiến hành điều tra. Trong suốt một năm, nhóm phóng viên đã phát hiện những sai phạm trong hệ thống tư pháp tại bang Alaska khiến những nạn nhân, đặc biệt người ở tầng lớp yếu thế, không có khả năng hoặc ít cơ hội tiếp cận cơ quan chức năng để tố giác các hành động tiến công tình dục. Loạt bài điều tra này sau khi được đăng tải đã khiến giới chức địa phương phải vào cuộc sau hàng thập kỷ, phần nào giúp thiết lập lại luật pháp tại ngôi làng này.

Tờ The New York Times giành thắng lợi vang dội tại lễ trao giải Pulitzer năm nay, khi liên tục được xướng tên ở các hạng mục “Báo chí điều tra”, “Bình luận” và “Tin quốc tế”. Cụ thể, phóng sự về nghề lái taxi tại thành phố New York của nhà báo Brian M. Rosenthal đăng tải trên tờ báo trên đã chiến thắng hạng mục “Báo chí điều tra”. Phóng sự này phơi bày thực tế nhiều lái xe taxi buộc phải chấp nhận những khoản vay lãi “cắt cổ” để có thể được hành nghề. Hệ lụy là đã có gần một nghìn tài xế vỡ nợ và ít nhất chín người phải tự tử. Trong khi đó, bài viết của nhà báo Nikole Hannah-Jones nhằm tôn vinh sự đóng góp của người Mỹ da mầu, cũng như hậu quả của chế độ nô lệ từng tồn tại ở Mỹ đạt giải “Bình luận”. Giải “Phóng sự quốc tế” được trao cho loạt bài về can thiệp bầu cử Mỹ.

Năm 2019, biến đổi khí hậu là đề tài “nóng”, nhận được nhiều quan tâm trên thế giới. Do đó, báo The Washington Post của Mỹ được trao giải “Phóng sự diễn giải” với các bài viết công bố bằng chứng khoa học rõ ràng về những ảnh hưởng khủng khiếp của tình trạng biến đổi khí hậu khiến Trái đất ấm lên. Ngoài ra, ở các hạng mục về “báo ảnh”, hãng tin Anh Reuters nhận được giải “Ảnh thời sự” với loạt ảnh về các cuộc biểu tình diễn ra thời gian qua tại đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc). Những hình ảnh chân thực và giàu cảm xúc về cuộc khủng hoảng ở khu vực Kashmir, hiện là tâm điểm tranh chấp lãnh thổ giữa Ấn Độ và Pakistan, cũng mang lại giải Pulitzer 2020 ở hạng mục “Ảnh đặc sắc” cho ba nhiếp ảnh gia Dar Yasin, Mukhtar Khan và Channi Anand của hãng tin AP.

Năm 2020 cũng đánh dấu lần đầu giải Pulitzer được trao cho hạng mục “Phóng sự âm thanh” cho sản phẩm hợp tác giữa chương trình phát thanh “This American Life”, do đài WBEZ ở Chicago (Mỹ) sản xuất, cùng các nhà báo của tờ Los Angeles Times và trang Vice News.

Giải thưởng Pulitzer do nhà báo Mỹ Joseph Pulitzer thành lập từ năm 1917. Được xem là giải thưởng báo chí danh giá hàng đầu tại Mỹ, giải Pulitzer xét giải ở 21 hạng mục khác nhau, bao gồm 14 hạng mục vinh danh các tác phẩm báo chí và bảy hạng mục trao cho các tác phẩm tiểu sử, lịch sử, truyện, thơ, tiểu thuyết, kịch, âm nhạc. Các tác phẩm được vinh danh đều đề cao sự nhân văn, tính chiến đấu và nêu bật nhiều vấn đề nổi cộm của nước Mỹ và thế giới.