Nỗi ám ảnh ở “xứ cờ hoa”

Liên tiếp những vụ xả súng diễn ra trong tuần qua tại Mỹ, đặc biệt là vụ xả súng ở một trường học tại bang California ngày 14-11, cho thấy bạo lực liên quan súng đạn vẫn là nỗi ám ảnh của người dân ở “xứ cờ hoa”. Trong khi đó, những cuộc tranh cãi về siết chặt quản lý súng đạn vẫn chưa ngã ngũ.

Cảnh sát hộ tống học sinh rời khỏi Trường Saugus sau vụ xả súng. Ảnh: THE NEW YORK POST
Cảnh sát hộ tống học sinh rời khỏi Trường Saugus sau vụ xả súng. Ảnh: THE NEW YORK POST

Theo CNN, sáng 14-11, đúng ngày sinh nhật lần thứ 16, Nathaniel Berhow đã xả súng vào các bạn học cùng Trường trung học Saugus trước khi tự bắn vào đầu mình. Vụ việc khiến một nữ sinh 15 tuổi và một nam sinh 14 tuổi thiệt mạng. Ngoài ra còn có ba người khác bị thương. Cảnh sát đã tới hiện trường ngay sau đó và phát hiện đối tượng nằm gục bên cạnh những nạn nhân bị thương khác.

Ngay sau khi vụ việc diễn ra, Cảnh sát trưởng Los Angeles, ông Alex Villanueva đã tổ chức họp báo, xác nhận đối tượng gây ra vụ nổ súng đã tử vong chiều 15-11 tại bệnh viện khi đang được điều trị vết thương. Ông Villanueva cho biết, đối tượng đã lên kế hoạch thực hiện vụ tiến công và cảnh sát vẫn đang tích cực điều tra xác định động cơ gây án. Cảnh sát cũng không tìm thấy mối liên hệ giữa các nạn nhân và đối tượng, nên có thể các nạn nhân bị bắn ngẫu nhiên, qua đó loại bỏ tin đồn rằng đối tượng nhắm tới sát hại bạn gái cũ. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng công bố kết quả điều tra sơ bộ, cho biết không có chứng cứ nào cho thấy đối tượng có động cơ xuất phát từ hệ tư tưởng hay hành động cho tổ chức nào.

Theo điều tra ban đầu của cảnh sát, Berhow là nam sinh ít nói nhưng vẫn có thái độ hòa đồng, thường được tiếp xúc với súng đạn nhưng không có tiền sử rối loạn hành vi hay bị bắt nạt tại trường. Cơ quan điều tra cũng không tìm thấy thư tuyệt mệnh hay thông tin gì liên quan kế hoạch tiến công kể trên. Ngoài ra, dù người bố quá cố của nam sinh này có đăng ký sở hữu sáu khẩu súng, nhưng khẩu súng ngắn được sử dụng trong vụ tiến công không thuộc số này. Việc đối tượng chỉ mất 16 giây để có thể nhắm bắn năm người và tự bắn vào đầu mình cho thấy đối tượng đã sử dụng thành thạo khẩu súng. Cảnh sát cũng tìm thấy tại nhà riêng của nam sinh này một số khẩu súng chưa được đăng ký. Có một số thông tin cho biết nam sinh này có thể bị ảnh hưởng tâm lý sau thời gian gia đình trải qua nhiều biến cố như cha mẹ ly hôn, bố là người có tiền sử bạo lực, có vấn đề với rượu, thích săn bắn và thường chế tạo đạn dược tại nhà.

Kết quả khảo sát do một số kênh truyền thông Mỹ mới công bố cho biết, nước này là quốc gia phát triển duy nhất trên thế giới phải chứng kiến nhiều vụ xả súng tại trường học như vậy, với hơn 40 vụ chỉ trong một năm qua. Mới đây nhất, hồi tháng 5 vừa qua, hai thanh niên đã nổ súng nhằm vào một trường học ở ngoại ô thành phố Denver, làm một học sinh trung học 18 tuổi thiệt mạng và tám người bị thương. Hồi năm ngoái, tại Santa Fe, một học sinh 17 tuổi đã nổ súng vào 20 người trong trường, làm hai người lớn và tám học sinh thiệt mạng.

Trước tình hình đó, năm 2018, nhiều ý kiến đã kêu gọi nâng độ tuổi được mua súng đạn tại Mỹ. Trong một thông báo hồi cuối năm ngoái, Tổng thống Donald Trump cũng tuyên bố sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc kiểm tra lý lịch, sức khỏe của người mua súng, nâng độ tuổi hợp pháp để mua súng lên 21, đồng thời chấm dứt việc bán các bộ phận chuyển đổi công năng của súng. Nhiều chuỗi bán lẻ lớn tại Mỹ, như Walmart, mới đây cũng quyết định ngừng bán một số loại đạn, kêu gọi cần có những hành động cần thiết để bảo đảm sử dụng súng đạn an toàn sau hàng loạt vụ xả súng thời gian qua.

Tuy nhiên, theo The New York Times, trên thực tế, ngành kinh doanh súng đạn vẫn mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ ở Mỹ. Vì vậy cho đến nay, các nhà lập pháp Mỹ vẫn chưa đưa ra được hành động cụ thể nào để quản lý súng đạn. Vụ việc vừa qua tiếp tục làm nóng lên các cuộc tranh luận liên quan vấn đề sở hữu súng đạn, vốn đã rất nhức nhối tại Mỹ, đòi hỏi các nhà chức trách tại “xứ cờ hoa” phải có sự chung tay vào cuộc mới có thể chấm dứt tình trạng bạo lực súng đạn, đặc biệt tại các trường học ở nước này.