Nỗ lực kiểm duyệt thông tin của Facebook

Với hơn hai tỷ người dùng, Facebook đang phải đương đầu với vấn đề kiểm duyệt nội dung và lượng thông tin khổng lồ. Vừa qua, tập đoàn này đã công bố 20 thành viên đầu tiên của Hội đồng giám sát hoạt động độc lập với ban lãnh đạo tập đoàn và chịu trách nhiệm quản lý, giám sát nội dung đăng tải trên mạng xã hội Facebook và Instagram.

CEO của Facebook Mark Zuckerberg đối mặt áp lực kiểm duyệt thông tin. Ảnh: AP
CEO của Facebook Mark Zuckerberg đối mặt áp lực kiểm duyệt thông tin. Ảnh: AP

Kế hoạch trên đã được Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đề xuất từ cuối năm 2018. Sau hai năm ấp ủ dự án, công ty này đã giới thiệu 20 nhân vật đầu tiên là thành viên của Hội đồng giám sát, bao gồm các cựu quan chức, nhà báo, luật sư và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Hội đồng giám sát sẽ hoạt động độc lập với ban quản trị Facebook và nhận được 130 triệu USD tài trợ, dự kiến sẽ bắt đầu xem xét các khiếu nại từ mùa hè năm nay.

Một trong số các thành viên của hội đồng là nhà báo Tawakkol Karman, là người đồng sáng lập Tổ chức Nhà báo nữ không biên giới và cũng là người phụ nữ Arab đầu tiên từng giành giải Nobel Hòa bình (năm 2011). Ngoài ra, nhiều cây viết có tiếng trên thế giới cũng được Facebook mời hợp tác trong kế hoạch này, như phóng viên kỳ cựu Endy Baynui của tờ The Jakarta Post, hiện là Giám đốc điều hành của Hiệp hội Nhà báo tôn giáo quốc tế; hay cựu Tổng Biên tập của The Guardian, Alan Charles Rus, giành giải Pulitzer năm 2014 cho loạt bài về dịch vụ công, hiện là hiệu trưởng một trường tư và tác giả của một số cuốn sách thiếu nhi.

Nhóm chuyên gia ngành luật góp mặt nhiều nhất trong số 20 đại diện được Facebook giới thiệu lần này, bao gồm cựu Thẩm phán liên bang Mỹ Michael McConnel, hiện là Giám đốc Trung tâm Luật Hiến pháp tại Trường Luật Stanford (Mỹ) và cựu Thẩm phán Tòa án Nhân quyền châu Âu Andras Sajo, là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Hungary; cùng nhiều luật sư, chuyên gia quốc tế về pháp lý và nhân quyền.

Ngoài ra, còn phải kể đến một gương mặt quen thuộc là chính trị gia, cựu Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt (giai đoạn 2011 - 2015), hiện là thành viên của Hội đồng Đối ngoại châu Âu và Cố vấn về khủng hoảng quốc tế cho Quốc hội Đan Mạch. Facebook thông báo, hội đồng giám sát độc lập này sẽ có tổng cộng 40 thành viên đến từ 27 quốc gia và giao tiếp được ít nhất 29 ngôn ngữ, có nhiệm kỳ ba năm và làm việc nhiều nhất ba nhiệm kỳ liên tiếp.

Hội đồng giám sát Facebook có chức năng chính là giải quyết các tranh cãi về nội dung được đăng tải hay phải gỡ bỏ trên hai nền tảng mạng xã hội của hãng này là Facebook và Instragram. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều nghi vấn về việc quyết định cuối cùng khi kiểm duyệt thông tin trên hai mạng xã hội sẽ thuộc về ban lãnh đạo Facebook hay Hội đồng giám sát mới lập ra. Trước đó, Mark Zuckerberg từng phát biểu rằng hội đồng được trao quyền lực cao hơn các nguyên tắc kiểm duyệt nội dung hiện nay của Facebook và thậm chí của chính ông chủ Facebook. Tờ Business Insider trích phát biểu của Mark Zuckerberg cho biết, người dùng bất bình về những nội dung bị xóa không công bằng hoặc không có lý do có thể khiếu nại trực tiếp lên hội đồng giám sát độc lập. “Nếu Hội đồng phán quyết ngược với Facebook, quyết định đó vẫn sẽ có giá trị ràng buộc ngay cả khi tôi hoặc bất kỳ ai ở Facebook không đồng ý”, Mark nói.

Song, các chuyên gia cho rằng động thái này của “đại gia” công nghệ Facebook là nhằm lấy lại uy tín trước những mối lo ngại gần đây về việc kiểm duyệt thông tin còn nhiều lỗ hổng và gây tranh cãi. Là mạng xã hội lớn nhất thế giới, Facebook phải chịu trách nhiệm lớn trong cuộc chiến với tin giả và các thông tin không chính xác, thậm chí bôi nhọ cá nhân người dùng. Trong thời gian qua, Facebook và Instagram đã để lọt nhiều nội dung giả, độc hại liên quan nhiều cá nhân, tổ chức và lĩnh vực. Bởi vậy, mạng xã hội có hơn hai tỷ người dùng này đứng trước yêu cầu phải xem xét kỹ lưỡng các nội dung được chia sẻ, cũng như minh bạch thông tin hơn nữa với những người sử dụng, cũng là khách hàng lớn nhất của họ.