Nhiệm vụ hóa giải bất đồng

Ngày 9-4, Tổng thống Iraq Barham Salih vừa chỉ định ông Mustafa al-Kadhimi (trong ảnh), người đứng đầu Cơ quan Tình báo quốc gia (NIS), làm Thủ tướng mới của nước này. Đây là Thủ tướng thứ ba của Iraq được chỉ định từ đầu năm đến nay, do hai nhân vật trước không nhận đủ sự ủng hộ thành lập chính phủ trước thời hạn cho phép. Hàn gắn sự khác biệt quan điểm giữa các đảng phái được cho là thách thức lớn nhất hiện nay đối với ông Kadhimi.

Ảnh: AFP
Ảnh: AFP

Ông Mustafa al-Kadhimi (53 tuổi) được đề cử ngay sau khi Thủ tướng được chỉ định trước đó là ông Adnan al-Zurfi thông báo rút lui ngày 9-4, do không được Quốc hội thông qua danh sách thành viên chính phủ. Trước ông Zurfi, cựu Bộ trưởng Thông tin Mohammad Allawi được đề cử làm Thủ tướng Iraq hồi tháng 1 vừa qua, cũng thất bại trong việc thành lập chính phủ. Chỉ trong ba tháng qua, Iraq đã chỉ định ba nhân vật khác nhau vào ghế Thủ tướng, song đây là lần đầu một ứng cử viên nhận được sự ủng hộ của các đảng đại diện người Hồi giáo dòng Shi’ite được Iran hậu thuẫn.

Theo Aljazeera, trong phát biểu đầu tiên sau khi được bổ nhiệm, ông Kadhimi cho biết chính phủ mới của ông sẽ tập trung vào “hành động chứ không chỉ dừng ở hứa hẹn”. Từng là một nhà báo và biên tập viên có tiếng của báo tiếng Arab Al Monitor, ông Kadhimi đã xuất bản một số cuốn sách nghiên cứu chính trị và được đánh giá cao. Ông theo học ngành luật và từng có thời gian làm việc ở Anh. Năm 2016, Thủ tướng Iraq khi đó là ông Haider al-Abadi bổ nhiệm ông Kadhimi làm Giám đốc NIS.

Giới quan sát cho rằng, lý lịch trung lập giúp ông Kahdimi nhận được sự ủng hộ từ các đảng phái thân Mỹ cũng như những chính khách có mối quan hệ gần gũi với Iran. Phát biểu ý kiến hôm 9-4, Tổng thống Iraq Salih cho biết: “Tất cả các đảng phái chính trị và xã hội đã đạt được thỏa thuận đề cử ông Kadhimi là người đứng ra thành lập chính phủ mới”. Báo chí nước này cũng kỳ vọng ông này có thể là “cầu nối đông - tây” để tìm kiếm “cái bắt tay giữa Washington và Tehran với sự công nhận của người Iraq”.

Trước mắt, ông Kadhimi sẽ phải vượt qua nhiệm vụ tháo gỡ những bế tắc kéo dài nhiều tháng qua giữa các phe phái trên chính trường nước này. Cùng với đó, nền kinh tế cũng như hệ thống hạ tầng của Iraq vốn bị tàn phá nặng nề trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), cũng đang cần có một nhà lãnh đạo đủ tầm để chèo lái đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ông Kadhimi đảm nhận vai trò mới ở thời điểm đầy thách thức đối với Iraq. Một mặt vừa phải đối mặt cuộc khủng hoảng kinh tế do giá dầu thế giới rớt gần chạm đáy và sự bùng phát của virus SARS-CoV-2. Mặt khác, kể từ khi làn sóng biểu tình chống chính phủ diễn ra hồi tháng 11-2019 buộc Thủ tướng Adel Abdul Mahdi sau đó phải từ chức, chính trường Iraq cũng đang lâm vào bế tắc nghiêm trọng. Khoảng trống ở vị trí Thủ tướng đã diễn ra trong suốt một thời gian dài khiến tình hình Iraq càng căng thẳng, khi một loạt bất ổn an ninh, khủng hoảng kinh tế - xã hội cùng xảy ra một lúc.

Trong khi đó, Iraq vốn đã “mắc kẹt” giữa mâu thuẫn sắc tộc và giáo phái, mà nổi bật là giữa hai dòng Hồi giáo Sunni do Mỹ và đồng minh Saudi Arabia hậu thuẫn, và người Shi’ite do Iran đứng sau. Dù nhất trí đề cử nhân vật mới vào ghế Thủ tướng, song các đảng phái chính trị đối lập vẫn chưa có được sự thống nhất về việc phân chia các vị trí bộ trưởng trong chính phủ mới.

Theo quy định, Thủ tướng được chỉ định có 30 ngày để thành lập và đệ trình danh sách thành viên chính phủ để Quốc hội thông qua. Theo đó, chương trình hành động của chính phủ và từng bộ trưởng do Thủ tướng đề cử phải được quốc hội gồm 329 thành viên bỏ phiếu tín nhiệm, với đa số phiếu tuyệt đối ủng hộ. Được nhận định là nhân vật có thể “dung hòa” giữa các phe phái, ông Kadhimi đang đứng trước cơ hội lớn để kêu gọi sự ủng hộ thành lập chính phủ hài hòa, đa sắc tộc.