Kế hoạch gây tranh cãi

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo kế hoạch triển khai thêm hàng trăm đặc vụ liên bang để trấn áp tình trạng tội phạm bạo lực gia tăng tại các thành phố của Mỹ. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối của không ít thị trưởng, các nhà lãnh đạo của đảng Dân chủ và nhóm dân quyền, thậm chí có thị trưởng còn dọa kiện “ông chủ” Nhà trắng ra tòa nếu các đặc vụ được triển khai.

Các đặc vụ liên bang trấn áp người biểu tình tại Portland. Ảnh: AP
Các đặc vụ liên bang trấn áp người biểu tình tại Portland. Ảnh: AP

Phát biểu ý kiến tại buổi họp báo tại Nhà trắng ngày 22-7 vừa qua, với sự tham dự của Bộ trưởng Tư pháp William Barr, Giám đốc của Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ An ninh Nội địa (DHS), Tổng thống Trump công bố việc mở rộng chương trình triển khai đặc vụ liên bang mang tên “Operation Legend” tới các thành phố như New York, Philadelphia, Detroit, Baltimore và Oakland. Theo ông Trump, chính phủ liên bang không có lựa chọn nào khác ngoài việc tham gia giữ gìn an ninh trật tự, trong bối cảnh số người thiệt mạng gia tăng do bạo lực ở các thành phố lớn của Mỹ. 

“Operation Legend” là chương trình triển khai các đặc vụ liên bang hỗ trợ cảnh sát địa phương chống lại cái mà Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định là sự gia tăng của tình trạng tội phạm bạo lực. Theo đó, đã có 200 đặc vụ được điều đến thành phố Kansas ở bang Missouri hồi đầu tháng này. Tại cuộc họp báo nói trên, Bộ trưởng Tư pháp Barr cho biết thêm, sẽ có khoảng 200 đặc vụ liên bang được triển khai ở Chicago và 30 đặc vụ ở Albuquerque. 

Trước đó, DHS đã triển khai hàng chục đặc vụ liên bang tới TP Portland thuộc bang Oregon để khôi phục trật tự sau cuộc đối đầu kéo dài nhiều tuần giữa người biểu tình và cảnh sát. Các hoạt động biểu tình ở thành phố này là một phần của làn sóng phản đối các hành vi bạo lực của cảnh sát trên toàn nước Mỹ sau cái chết của công dân da mầu George Floyd cuối tháng 5 vừa qua ở Minneapolis. 

Đến nay, chương trình “Operation Legend” đã làm thổi bùng hơn nữa tình trạng căng thẳng tại nhiều thành phố lớn ở Mỹ. Tổng thống Trump từng cảnh báo có thể triển khai nhân viên liên bang tới New York và nhiều thành phố khác do đảng Dân chủ kiểm soát để bảo vệ trụ sở các cơ quan liên bang và giải quyết cái mà ông gọi là “sự sụp đổ về luật pháp và trật tự”. Tuy nhiên, thị trưởng sáu thành phố lớn là Atlanta, Washington, Seattle, Chicago, Portland và Kansas đã gửi thư tới Bộ trưởng Tư pháp và quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ, khẳng định việc triển khai lực lượng liên bang mà không được sự đồng ý của địa phương là vi hiến.

Trong khi đó, Thị trưởng New York Bill de Blasio cho biết, chính quyền thành phố này sẽ kiện ra tòa nếu Tổng thống Donald Trump cho triển khai đặc vụ liên bang đến New York với lý do “ứng phó tình hình tội phạm gia tăng”. Thị trưởng New York cho rằng, việc làm trên có thể sẽ gây thêm nhiều rắc rối và không giúp gì cho mục tiêu bảo đảm an toàn cho người dân. Chính quyền thành phố cho rằng, việc triển khai các đặc vụ liên bang đến các thành phố là trái với Hiến pháp của nước Mỹ.

Căng thẳng gia tăng khi Thị trưởng Portland, ông Ted Wheeler chỉ trích sự hiện diện của lực lượng liên bang đang dẫn đến nhiều bạo lực hơn trong thành phố. Trong khi đó, Tổng chưởng lý bang Oregon và tổ chức dân quyền Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ cáo buộc chính quyền liên bang “vượt quá phạm vi quyền lực”. Về phần mình, các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện Mỹ cũng đã yêu cầu điều tra nội bộ để xác định liệu DHS và Bộ Tư pháp có “lạm dụng các quyền khẩn cấp trong việc ứng phó với các cuộc biểu tình ở Portland hay không.

Giới quan sát cho rằng, sở dĩ kế hoạch triển khai thêm các đặc vụ liên bang của Tổng thống Trump tới các thành phố do phe Dân chủ kiểm soát vấp phải sự phản đối mạnh mẽ là do không chỉ làm dấy lên câu hỏi về tính hợp pháp của quyết định đó, động thái này còn ám chỉ sự quản lý trật tự trị an yếu kém tại các địa phương của đảng Dân chủ. Hơn nữa, việc các đặc vụ tham gia trực tiếp vào việc trấn áp người biểu tình, như vụ bắn lựu đạn hơi cay giải tán đám đông ở Portland tối 21-7, nơi đã trải qua 54 đêm biểu tình liên tiếp, còn có nguy cơ làm gia tăng sự bức xúc của người dân.