Jemaah Islamiyah đối mặt “bàn tay thép”

Biệt đội chống khủng bố 88 của Indonesia đã phát hiện 12 địa điểm huấn luyện của nhóm khủng bố Jemaah Islamiyah (JI) tại tỉnh Trung Java. Kể từ sau vụ đánh bom đẫm máu trên đảo Bali năm 2002, JI vẫn luôn bị săn lùng và tiêu diệt. Đến nay, cuộc truy quét nhóm khủng bố này đã đạt được một số thành quả lớn.  

Biệt đội 88 của Indonesia trong một cuộc truy quét khủng bố. Ảnh: AFP
Biệt đội 88 của Indonesia trong một cuộc truy quét khủng bố. Ảnh: AFP

Ngày 28-12 vừa qua, CNN đưa tin, Thiếu tướng Raden Yuwono, Cục trưởng Thông tin thuộc Cảnh sát quốc gia Indonesia cho biết, một trong những trại huấn luyện nêu trên là một tòa biệt thự hai tầng tại thị trấn Ungaran, thuộc huyện Semarang. Ông Yuwono nêu rõ, tại những trại huấn luyện trên, các đối tượng đã học cách tự vệ bằng tay không, cách dùng gươm, cách cài bom và học võ. Một người dạy võ là Joko Priyono, có biệt danh là “Karso” đã bị Biệt đội 88 bắt giữ năm 2019 và bị kết án hơn ba năm tù. Theo ông Yuwono, lực lượng quân đội và cảnh sát tinh nhuệ của Indonesia đã được đặt trong tình trạng báo động sẵn sàng tác chiến sau khi các trại huấn luyện được phát hiện.

“Jemaah Islamiyah” trong tiếng Arab có nghĩa là “Triều đại Hồi giáo”, có chân rết ở Indonesia, Malaysia, miền nam Philippines, Singapore và Brunei. Ban đầu, hồi thập niên 40 thế kỷ trước, JI có tên là Darul Islam (Ngôi nhà Hồi giáo) ở Indonesia. JI chính thức ra đời năm 1993 với mục tiêu thành lập cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo” ở Đông - Nam Á, sau đó bị LHQ liệt vào danh sách các nhóm khủng bố có liên hệ với mạng lưới khủng bố toàn cầu al-Qaeda. JI cũng được cho là có liên hệ với nhóm Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf và Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro ở Philippines.

Nhóm khủng bố JI bị cáo buộc là chủ mưu một số vụ đánh bom lớn tại Indonesia, trong đó có vụ đánh bom kinh hoàng trên đảo Bali khiến 202 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương năm 2002. JI cũng bị tình nghi tham gia vụ đánh bom tự sát tại khách sạn Marriott ở Thủ đô Jakarta năm 2003, khiến 12 người chết.

Hãng tin AFP mới đây dẫn lời Người phát ngôn Argo Yuwono của Cảnh sát quốc gia Indonesia cho biết, Aris Sumarsono (còn gọi là Zulkarnaen), 57 tuổi, một trong những thủ lĩnh cấp cao của JI, đã bị bắt tại tỉnh Lampung trên đảo Sumatra hôm 10-12, sau khoảng 18 năm sống ngoài vòng pháp luật. Zulkarnaen nằm trong danh sách truy nã gắt gao nhất của Indonesia kể từ sau vụ đánh bom trên đảo Bali. Chính quyền Mỹ treo thưởng lên tới 5 triệu USD cho bất cứ ai cung cấp thông tin dẫn tới việc bắt giữ hoặc tiêu diệt tên này.

Vụ đánh bom thảm khốc do JI gây ra trên đảo Bali năm 2002 cũng đánh dấu sự ra đời của Biệt đội 88, đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ rất nổi tiếng chuyên trách chống khủng bố. Số 88 được gắn với tên biệt đội để tưởng nhớ tới 88 nạn nhân người Indonesia thiệt mạng trong vụ khủng bố này. Ngoài sự quan tâm bồi dưỡng của Chính phủ Indonesia, Biệt đội 88 còn được cảnh sát Australia giúp đỡ về kỹ thuật hình sự, trong đó có kỹ thuật giám định ADN và sử dụng hệ thống thông tin liên lạc tối tân. Thông qua cơ quan an ninh ngoại giao, Chính phủ Mỹ cũng hỗ trợ tài chính mạnh mẽ cho Biệt đội 88. Ngoài ra, cảnh sát đặc nhiệm Mỹ phối hợp Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Cơ quan Mật vụ Mỹ (USSS) còn chịu trách nhiệm chính trong việc huấn luyện, đào tạo cho các thành viên của biệt đội tại một căn cứ cách không xa Thủ đô Jakarta. 

Theo AP, giảng viên cho Biệt đội 88 đều là các chuyên gia giàu kinh nghiệm cả về lý thuyết lẫn thực tiễn, chiến lược - chiến thuật về phòng, chống khủng bố. Bên cạnh đó, một số cơ quan tình báo và phòng, chống khủng bố khác trên thế giới cũng tham gia giảng dạy kỹ - chiến thuật cho biệt đội. Sau khi hoàn tất khóa huấn luyện khắc nghiệt, các thành viên của Biệt đội 88 có đủ khả năng đối phó những nhiệm vụ chống khủng bố khác nhau, từ chống đánh bom, chống bắt cóc, giải thoát con tin cho đến thực hiện các vụ đột kích tiêu diệt… Thành viên của biệt đội cũng gồm nhiều chuyên gia về điều tra hình sự, chuyên gia về chất nổ, lính bắn tỉa chuyên nghiệp.

Với những khả năng trên, Biệt đội 88 trong thời gian tới sẽ vẫn được xem là “bàn tay thép” trong cuộc chiến chống khủng bố của Chính phủ Indonesia, đặc biệt trong nhiệm vụ tiêu diệt tận gốc nhóm cực đoan JI.