Học đường Mỹ trước nạn bạo lực súng đạn

Ngày 6-5 vừa qua, một vụ nổ súng đã xảy ra tại Trường trung học Rigby, bang Idaho (Mỹ). Vụ việc đặc biệt gây quan ngại tại “xứ cờ hoa” do thủ phạm chỉ là một bé gái. Điều đó cho thấy vấn đề kiểm soát súng đạn của giới chức Mỹ đang hết sức lơi lỏng, khiến những công cụ chết người có thể tiếp cận ngay cả trẻ nhỏ.

Cảnh sát sơ tán học sinh sau vụ nổ súng tại Trường Rigby, bang Idaho (Mỹ). Ảnh: POST REGISTER
Cảnh sát sơ tán học sinh sau vụ nổ súng tại Trường Rigby, bang Idaho (Mỹ). Ảnh: POST REGISTER

Theo thông tin từ ông Steve Anderson, Cảnh sát trưởng hạt Jefferson, nghi phạm của vụ xả súng là một nữ sinh lớp 6. Theo đó, cô bé đã rút ​​một khẩu súng ngắn trong ba-lô và bắt đầu nổ súng ở bên trong và ngoài trường. Sau khi làm bị thương hai học sinh và một nhân viên của trường, nữ sinh đã bị một giáo viên tước khẩu súng và khống chế tại chỗ cho tới khi cảnh sát tới hiện trường. Tất cả học sinh đã được sơ tán đến một trường trung học gần đó sau khi xảy ra vụ việc. 

Ông Michael Lemon, Giám đốc Khoa chấn thương tại Trung tâm Y tế khu vực đông Idaho cho biết, các nạn nhân trong vụ nổ súng không bị vết thương nào gây nguy hiểm tính mạng. Hiện tại, nhà chức trách vẫn chưa công bố tên tuổi chính xác của nghi phạm nổ súng. Công tố viên hạt Jefferson, ông Mark Taylor khẳng định, sau khi cuộc điều tra hoàn tất, nghi phạm sẽ phải đối mặt các cáo buộc, trong đó có cố ý giết người. 

Đây không phải lần đầu các trường học tại bang Idaho xảy ra những vụ nổ súng đáng tiếc mà thủ phạm là học sinh. Năm 1989, một học sinh của Trường trung học cơ sở Rigby đã rút súng, đe dọa một giáo viên và học sinh, đồng thời bắt một bé gái 14 tuổi làm con tin. Tuy nhiên, cảnh sát đã giải cứu con tin an toàn và không có thương vong. Tới năm 1999, một học sinh tại một trường trung học ở TP Notus cũng gây ra vụ nổ súng, làm bị thương một số người. 

AP trích một thống kê của giới chức Mỹ cho thấy, năm 2020, hơn 43.000 người Mỹ tử vong vì bạo lực súng đạn. Năm nay, mặc dù đại dịch Covid-19 tiếp tục hạn chế các hoạt động công cộng, nhưng ước tính vẫn có 11.000 người thiệt mạng trong các vụ việc liên quan súng. Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi tình trạng bạo lực do súng đạn là “dịch bệnh” và công bố các biện pháp giải quyết vấn đề. 

Trước hết, ông Biden sẽ ban hành lệnh cấm sản xuất và buôn bán vũ khí tiến công và băng đạn cỡ lớn. Cùng với đó, ông chủ Nhà trắng sẽ điều chỉnh việc sở hữu vũ khí tiến công dựa trên các đạo luật quốc gia về kiểm soát súng đạn đã ban hành. Chính phủ cũng thực hiện một chương trình mua lại vũ khí hiện có trong cộng đồng. Để giảm lượng vũ khí dự trữ, ông Biden tuyên bố ủng hộ dự luật hạn chế số lượng vũ khí mà một cá nhân có thể mua. Một lực lượng đặc nhiệm chuyên trách bao gồm các cơ quan liên bang, quan chức bang, lực lượng hành pháp và các chuyên gia công nghệ sẽ được thành lập nhằm tập trung điều tra mối liên hệ giữa các vụ xả súng hàng loạt với chủ nghĩa cực đoan trên internet, các đối tượng cổ súy bạo lực với phụ nữ và kỳ thị chủng tộc.

Đối với các cá nhân, ngoài việc kiểm soát chặt chẽ lý lịch và tình trạng sức khỏe của người sở hữu súng, chính quyền Mỹ cũng thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi những loại vũ khí thông minh cần dấu vân tay mới mở chốt an toàn. Nhà chức trách cũng yêu cầu chủ sở hữu súng cất giữ vũ khí của họ một cách an toàn. Đặc biệt, người lớn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự và dân sự nếu trực tiếp hoặc sơ suất cho trẻ vị thành niên tiếp cận súng. 

Ngoài ra, để ngăn chặn sớm những vụ nổ súng trong trường học do học sinh gây ra, các chuyên gia tâm lý khuyến cáo giáo viên và nhà trường cần tiếp cận, khuyên giải nếu phát hiện tình trạng khủng hoảng hoặc thay đổi tiêu cực trong hành vi của học sinh, vốn là nguyên nhân chính của những vụ nổ súng. Kết hợp nỗ lực của nhà chức trách trong việc kiểm soát súng, trường học cần trở thành nơi ấm áp và thân thiện, khiến tất cả học sinh cảm thấy an toàn trong một môi trường an ninh tốt.