Cú mắc kẹt tai hại

Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) của Ai Cập vừa phải thông báo tạm thời đình chỉ giao thông tại kênh đào Suez để giải cứu siêu tàu chở hàng Ever Given đang mắc cạn tại phía nam của kênh đào này. Công ty cứu hộ cho biết, việc giải cứu Ever Given có thể sẽ mất nhiều ngày, gây tắc nghẽn một trong những tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới.

Giới chức Ai Cập kiểm tra việc giải cứu Ever Given. Ảnh: AFP
Giới chức Ai Cập kiểm tra việc giải cứu Ever Given. Ảnh: AFP

Ngày 26-3, đại diện SCA cho biết, những nỗ lực giải cứu “siêu tàu” chở hàng Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez vẫn đang tiếp tục, song do kích cỡ của tàu quá lớn nên quá trình làm nổi và lai dắt con tàu sẽ cần nhiều thời gian. Trước đó, ngày 24-3, con tàu đang trong hành trình tới điểm đến Rotterdam (Hà Lan) thì phải dừng ở kênh đào Suez do gió mạnh và bão cát gây cản trở tầm nhìn, khiến con tàu khổng lồ di chuyển chệch hướng, nghiêng sang một bên và mắc cạn. Chiến dịch giải cứu Ever Given đã được tổ chức ngay sau đó, song phải tạm thời ngưng lại vào cuối ngày 25-3 do thủy triều xuống thấp. Do vậy, trong 24 giờ đầu, tàu Ever Given gần như không dịch chuyển vị trí so thời điểm ban đầu mắc kẹt, đồng thời làm tắc nghẽn tuyến vận tải hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới này. 

Theo SCA, siêu tàu chở hàng Ever Given dài 400 m, rộng 59 m, hiện có 870.000 tấn dầu thô và khoảng 670.000 dầu thành phẩm cùng các container hàng hóa khác. Báo cáo cho thấy, 25 thủy thủ đều an toàn và số hàng hóa trên tàu không bị ảnh hưởng. Song công ty Nhật Bản Shoei Kisen sở hữu tàu Ever Given thừa nhận, tình hình đang rất rắc rối và chưa rõ đến bao giờ con tàu mới có thể thoát khỏi tình trạng hiện tại. CNN dẫn lời giới chức Ai Cập cho biết, nếu tàu Ever Given không sớm được giải phóng, Shoei Kisen sẽ phải bồi thường cho SCA cũng như những thiệt hại mà các tàu hàng khác gánh chịu.

Hiện, có nhiều ý kiến khác nhau về kế hoạch giải cứu tàu chở hàng khổng lồ này, song phần lớn nghiêng về khả năng Ever Given phải mất nhiều ngày mới thoát được thế chặn ngang kênh đào hiện nay. Tám con tàu nhỏ đã được cử ra gần hiện trường phục vụ lai dắt “gã khổng lồ”, được mô tả “như một con cá voi khổng lồ đang nằm trên cát”. Dự kiến sau khi được giải cứu, tàu sẽ phải di chuyển về cảng Suez để đánh giá hiện trạng kỹ thuật trước khi tiếp tục hành trình.  

Vụ mắc cạn đã khiến hoạt động giao thương đi qua kênh đào Suez bị đình trệ nghiêm trọng, với hơn 180 tàu đang mắc kẹt tại cảng, trong đó có nhiều tàu chở dầu. Bởi vậy, vụ việc không chỉ tạo ra tình thế hóc búa đối với ngành vận tải, giao thương toàn cầu mà còn được xem là nguyên nhân khiến giá dầu tăng khoảng 5% ngay sau sự cố. Những công ty vận tải biển lớn như Maersk đã cảnh báo tình trạng dồn ứ và tồn đọng hàng hóa trên các tàu hàng ở kênh đào Suez hiện nay có thể trở nên tồi tệ hơn và chưa thể biết khi nào thương mại có thể lưu thông trở lại bình thường. Trong khi đó, số tàu ùn ứ phía sau con tàu mắc cạn còn có cả tàu chở gia súc hoặc động vật sống. Theo dữ liệu của Bloomberg, ít nhất tám con tàu chở động vật đang bị dồn lại, những tàu khác chở các mặt hàng như xi-măng, dầu thô... 

Các chuyên gia đánh giá, việc giải cứu càng kéo dài càng gây chậm trễ và ảnh hưởng hầu hết các ngành công nghiệp trên khắp thế giới. Kênh đào Suez nối Biển Đỏ và Địa Trung Hải, là tuyến huyết mạch đường thủy nhanh nhất kết nối giữa châu Âu và châu Á, nơi lưu thông khoảng 12% lượng hàng hóa giao thương của thế giới. Chủ tàu có khả năng phải đối mặt với các yêu cầu bảo hiểm hàng triệu USD từ các công ty không đạt mục tiêu giao hàng vì bị giữ lại hoặc có hàng hóa dễ hư hỏng trong thời gian chờ đợi. Công ty Shoei Kisen đã gửi lời xin lỗi vì sự bất tiện gây ra, cho biết họ đã “làm việc chăm chỉ để giải quyết tình hình”, nhưng hoàn cảnh đang cực kỳ khó khăn.

Trên trang web của mình, SCA đã đăng một video về chiến dịch giải cứu Ever Given dài 90 giây, cho thấy các quan chức đang tiến về phía con tàu mắc cạn trong tiếng nhạc như… phim hành động. Đại diện SCA cho biết, đã từng xử lý thành công một số trường hợp mắc cạn tương tự, điển hình là vụ việc một tàu Nhật Bản mắc lại trong vài giờ năm 2017, hoặc tàu chở hàng 12.000 tấn của Anh làm đình trệ giao thông qua kênh đào này trong bốn ngày hồi năm 2008.