“Chiến dịch Luxor” đối phó cực đoan

Lực lượng an ninh Áo đang triển khai đợt truy quét các phần tử Hồi giáo cực đoan mang tên “Chiến dịch Luxor” sau vụ xả súng tại Thủ đô Vienna cách đây gần hai tuần. Hàng chục đối tượng đã bị bắt giữ sau cuộc đột kích ngày 10-11 trong khuôn khổ chiến dịch này.

Cảnh sát tuần tra bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo ở Vienna. Ảnh: AFP
Cảnh sát tuần tra bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo ở Vienna. Ảnh: AFP

Cảnh sát Áo ngày 11-11 cho biết, đã bắt giữ 30 đối tượng tình nghi là phần tử Hồi giáo cực đoan trong các cuộc tập kích được tiến hành đồng thời trên khắp đất nước vào lúc 5 giờ sáng 10-11 (giờ địa phương). Ngoài ra, hơn 70 cá nhân hiện bị điều tra, theo dõi. Cảnh sát cũng thu giữ điện thoại thông minh, tài liệu, máy tính và một lượng lớn tiền mặt, song chưa tìm thấy vũ khí và chất nổ. Công tố viên bang Graz (Áo) cho biết, các tài khoản ngân hàng và tài sản khác của 30 đối tượng bị bắt giữ đã được phong tỏa nhằm truy tìm dòng tiền có thể được sử dụng để tài trợ cho khủng bố.

“Chiến dịch Luxor” có sự tham gia của gần 1.000 cảnh sát, bao gồm lực lượng an ninh đặc biệt và nhân viên chống khủng bố, được lên kế hoạch từ trước cuộc tiến công khủng bố ở trung tâm Thủ đô Vienna. Cụ thể, theo CNN, vụ xả súng xảy ra vào tối 2-11 (giờ địa phương) tại sáu địa điểm gần một giáo đường Do Thái ở trung tâm Vienna, với sự tham gia của nhiều đối tượng mang súng trường. Vụ xả súng này đã khiến ít nhất bảy người thiệt mạng, nhiều người bị thương, trong đó có một cảnh sát. Một trong những kẻ tiến công đã bị tiêu diệt, một đối tượng bị bắt giữ. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz coi đây là “vụ tiến công khủng bố ghê tởm”.

Ngay sau khi chiến dịch Luxor được phát động, Thủ tướng Áo nhấn mạnh:  “Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan muốn chia rẽ xã hội của chúng ta. Kẻ thù của chúng ta là những tên khủng bố và cực đoan chứ không phải người nhập cư. Do đó, không thể có sự khoan dung, độ lượng với các đối tượng này”. Trước đó, chính quyền Thủ đô Vienna đã đóng cửa hai nhà thờ Hồi giáo vì cho rằng có liên quan đối tượng Kujtim Fejzulai trong vụ xả súng vừa qua, kẻ được cho là thường xuyên lui tới hai địa điểm kể trên.

Thủ tướng Áo đã tới Paris (Pháp) ngày 11-11 vừa qua để có cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong khuôn khổ một hội nghị nhằm xây dựng một “mặt trận châu Âu” chống lại chủ nghĩa khủng bố. Ngoài Thủ tướng Áo và Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng nhiều lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) cũng tham dự trực tuyến để cùng thảo luận về những nỗ lực ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan tại châu Âu. 

Theo CNN, châu Âu những năm gần đây đối mặt tình trạng khủng bố cực đoan nghiêm trọng. Mở đầu là vụ tiến công tòa soạn báo Charlie Hebdo tại Pháp năm 2015, khiến 17 người thiệt mạng. Tháng 7-2016, một vụ lao xe tải vào đám đông người đang tham gia lễ mừng Quốc khánh ở TP Nice (Pháp) đã khiến 86 người thiệt mạng và 458 người khác bị thương. Đây được cho là vụ tiến công nghiêm trọng nhất tại châu Âu trong nhiều thập kỷ qua. Tiếp đó, hàng loạt vụ tiến công khác đã lan sang khắp các nước châu Âu. Ước tính, kể từ năm 2015, hơn 1.000 người đã thiệt mạng do những vụ tiến công khủng bố tại châu Âu, khiến tình trạng an ninh tại “lục địa già” liên tục được báo động đỏ.

Trong cuộc họp vừa qua, Thủ tướng Áo nhận định: “Mối đe dọa từ khủng bố Hồi giáo ảnh hưởng đến tất cả chúng ta ở châu Âu, như đã thấy gần đây qua các cuộc tiến công ở Pháp và ở nhiều nước châu Âu khác. Chúng ta phải không ngừng ngăn chặn những mối đe dọa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và hệ tư tưởng ẩn phía sau”.

Trước những mối nguy tiềm tàng từ các phần tử thánh chiến tại châu Âu, việc Áo triển khai chiến dịch Luxor được cho là đòn mạnh giáng vào nơi sinh sôi của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Giới chức Áo và châu Âu cho rằng, với quy mô lớn, chiến dịch Luxor sẽ là lời cảnh báo tới tội phạm cực đoan và khủng bố, không chỉ ở Áo mà trên toàn châu lục, góp phần ngăn chặn tình trạng bạo lực tại khu vực này.