Cảnh báo từ bộ lạc Sentinel

Những ngày qua, việc một nhà truyền giáo trẻ người Mỹ nhiều khả năng bị những thổ dân trên hòn đảo Bắc Sentinel, thuộc quần đảo Andaman và Nicobar (Ấn Độ) sát hại khi cố gắng tiếp cận hòn đảo này đã trở thành tiêu điểm của dư luận thế giới. Vụ việc này một lần nữa đưa ra lời cảnh tỉnh cho những người cố tình vi phạm luật bảo vệ các bộ lạc bản xứ ở khắp nơi trên thế giới sau nhiều vụ việc đáng tiếc tương tự.

Chính phủ Ấn Độ cấm bất kỳ sự tiếp xúc nào với người dân bộ lạc Sentinel. Ảnh: ORANGESMILE
Chính phủ Ấn Độ cấm bất kỳ sự tiếp xúc nào với người dân bộ lạc Sentinel. Ảnh: ORANGESMILE

Nguồn tin từ các quan chức Ấn Độ mới đây cho biết, một công dân Mỹ làm công việc truyền giáo có thể đã bị những thổ dân thuộc bộ lạc sống biệt lập nhất thế giới giết chết trên hòn đảo xa xôi ngoài khơi bờ biển Ấn Độ. Theo Giám đốc Cảnh sát quần đảo Andaman và Nicobar, ông Dependra Pathak, danh tính công dân Mỹ thiệt mạng là John Allen Chau, 27 tuổi, nhập cảnh Ấn Độ bằng visa du lịch nhưng đã đến quần đảo Andaman và Nicobar vào tháng 10 vừa qua với mục đích truyền giáo.

Theo CNN, Chau bắt đầu ý định tiếp cận người dân trên hòn đảo Bắc Sentinel kể từ giữa tháng 11. Cụ thể, anh đã nhờ một người bạn địa phương là kỹ sư điện tử, sắp xếp một chiếc thuyền và mất khoảng 350 USD để tìm một số ngư dân có thể đưa anh đến hòn đảo này. Tổng cộng bảy người dân địa phương đã giúp sức cho chuyến đi của Chau. Sau khi cái chết của Chau được công bố, bảy người này đã bị cảnh sát bắt giữ nhằm phục vụ công việc điều tra.

Ông Pathak cho biết, ngày 15-11, các ngư dân đã sử dụng một chiếc thuyền gỗ có gắn động cơ để di chuyển tới đảo. Chiếc thuyền dừng cách đảo 500 m - 700 m, sau đó nhà truyền giáo người Mỹ đã tự chèo thuyền kayak đến hòn đảo. Chau sau đó trở lại trong ngày với những vết thương do bị tên bắn. Dù vậy, anh vẫn không từ bỏ ý định đặt chân đến hòn đảo này. Ngày 16-11, nhà truyền giáo thậm chí đã bị cư dân trên hòn đảo đánh chìm thuyền. May mắn, Chau vẫn bảo toàn mạng sống. Đến ngày 17, Chau đã không trở lại sau khi tiến gần lại hòn đảo. Sáng hôm sau, những ngư dân này phát hiện thi thể của Chau đã bị kéo lê dọc theo bãi biển và bị vùi dưới cát.

Mặc dù ông Pathak khẳng định cảnh sát vẫn chưa xác định được nghi phạm sát hại Chau, nhiều nguồn tin địa phương khẳng định nạn nhân bị thổ dân Sentinel dùng cung tên bắn chết. Ngày 24-11 vừa qua, trong nỗ lực mới nhất nhằm tìm kiếm thi thể của nhà thám hiểm người Mỹ, một nhóm cảnh sát Ấn Độ đã đi thuyền tiếp cận đảo Bắc Sentinel. Con tàu chở nhóm cảnh sát Ấn Độ sau đó đã phải rút lui và rời khỏi vùng biển này để tránh các cuộc đụng độ ngoài mong muốn xảy ra với thổ dân trên đảo.

Theo CNN, nhóm người trên đảo Bắc Sentinel có tổ tiên từ những người châu Phi xuất hiện ở quần đảo Andaman và Nicobar từ hàng nghìn năm trước. Nhóm người này là một trong số ít bộ lạc còn sót lại trên thế giới có rất ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Sau khi Ấn Độ giành được độc lập từ thực dân Anh, nhiều nhà khoa học đã cố gắng để nghiên cứu nhóm người này, nhưng chưa một ai thành công. Ông T.N Pandit, một nhà nhân chủng học Ấn Độ từng nghiên cứu hòn đảo từ năm 1967 đến 1993 cho rằng, những thổ dân Sentinel không muốn gì từ thế giới bên ngoài. Do đó, khi người ngoài cố tiếp cận, người dân Sentinel sẽ trở nên hung dữ.

Chính phủ Ấn Độ đã ban hành luật cấm bất kỳ sự tiếp xúc nào với người dân bộ lạc Sentinel. Bởi nước này cho rằng bất cứ tiếp xúc nào với những người thổ dân trên đảo sẽ hủy hoại văn hóa, thậm chí là sự tồn vong của những người này, vì từ hàng thế kỷ qua lối sống của họ thay đổi rất ít. Thêm vào đó, hệ thống miễn dịch của người Sentinel được cho là sẽ không thể chống chọi lại vi khuẩn thời hiện đại. Vụ việc vừa qua một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo với những người có ý định tiếp cận trái phép những bộ lạc nằm trong diện bảo tồn.