Bước chuyển tại Mali

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mali, ông Ba N’Daou (trong ảnh) đã trở thành tổng thống lâm thời của chính phủ chuyển tiếp. Ông Ba N’Daou sẽ lãnh đạo chính phủ này trong vòng 18 tháng trước khi tổng tuyển cử diễn ra nhằm đưa nước này chuyển sang chế độ dân sự.

Ảnh: FRANCE 24
Ảnh: FRANCE 24

Ngày 21-9 vừa qua, chính quyền ở Mali thông báo, ông Ba N’Daou đã được chỉ định trở thành tổng thống lâm thời trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 18 tháng tại nước này. Ông Ba N’Daou dự kiến tuyên thệ nhậm chức vào ngày 25-9 tới.

Ông Ba N’Daou từng là phụ tá cho cựu Tổng thống Moussa Traore, đã qua đời ngày 15-9 ở tuổi 83. Ông từng được đào tạo ở Liên Xô (trước đây) và tại một trường quân sự ở Thủ đô Paris (Pháp). Ông Kaou N’Djim, người phát ngôn của nhà lãnh đạo Hồi giáo có ảnh hưởng Mahmoud Dicko, người dẫn đầu các cuộc biểu tình quần chúng phản đối chính quyền cựu Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita trước cuộc đảo chính vừa qua, đã dành nhiều lời ca ngợi ông Ba N’Daou. “Ông Ba N’Daou là một quan chức ngay thẳng. Ông ấy chưa bao giờ dính líu đến các vấn đề tham nhũng”, ông N’Djim cho biết.

Quyết định về việc bổ nhiệm nói trên nhằm thực hiện cam kết của chính quyền quân sự ở Mali về việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp để đưa nước này chuyển sang chế độ dân sự. Cam kết trên được đưa ra sau các cuộc tham vấn kéo dài nhiều ngày tại Thủ đô Bamako giữa các nhà chính trị, tổ chức xã hội và quân đội.

Africa News cho biết, cuộc chính biến tại Mali diễn ra ngày 18-8 vừa qua. Theo đó, viện dẫn nhiều vấn đề tiêu cực trong chính quyền của Tổng thống Keita, bao gồm các cáo buộc tham nhũng và sự bất lực trước những cuộc nổi dậy kéo dài của lực lượng Hồi giáo cực đoan, một nhóm binh sĩ tự xưng Ủy ban Quốc gia bảo vệ người dân (CNSP) do ông Assimi Goita đứng đầu đã phát động đảo chính, xuất phát từ một căn cứ quân sự bên ngoài Thủ đô Bamako. Nhóm này sau đó bắt giữ Tổng thống Keita, Thủ tướng Boubou Cisse cùng một số thành viên trong chính phủ. Vài giờ sau, trên sóng truyền hình quốc gia, ông Keita đã tuyên bố từ chức và giải tán Quốc hội, đồng thời cho biết không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ chức để tránh thương vong vô ích.

Sau khi cuộc đảo chính diễn ra, Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã lên án hành động này, đồng thời áp đặt lệnh cấm vận và các biện pháp trừng phạt kinh tế với Mali. Trong thông cáo của mình, ECOWAS tuyên bố đóng cửa biên giới trên bộ và trên không cũng như ngừng mọi giao dịch kinh tế, thương mại và tài chính giữa 14 nước thành viên với Mali, đồng thời kêu gọi các đối tác cũng làm tương tự. Tổ chức này cũng cho biết đã tạm thời loại Mali khỏi các cơ quan hoạch định chính sách của ECOWAS.

Với lệnh cấm này, Mali bị cô lập hoàn toàn với phần còn lại của thế giới, trong khi nền kinh tế vốn đã bị suy yếu do khủng hoảng an ninh - xã hội, giờ có nguy cơ tê liệt. Tình hình kinh tế căng thẳng đang đè nặng lên ngân sách quốc gia và gây sức ép lên chính quyền mới. Trong khi đó, Mali là một trong số 25 nước nghèo nhất thế giới, với GDP bình quân đầu người năm 2019 là 934 USD. Kinh tế nước này chủ yếu dựa vào xuất khẩu vàng, bông, gia súc và tiền viện trợ quốc tế. 

Đáp trả lệnh cấm vận của ECOWAS, phe đảo chính đang nắm quyền tại Mali đã ra lệnh cấm xuất khẩu gia súc sang các nước thành viên ECOWAS. Mali hiện có lượng gia súc lớn thứ hai trong khối ECOWAS. Năm 2018, quốc gia này xuất khẩu khoảng 420 triệu USD gia súc sang các nước trong khu vực. 

Trước tình hình đó, ngày 15-9 vừa qua, lãnh đạo ECOWAS đã có buổi làm việc với các thủ lĩnh quân sự Mali để thảo luận về việc bổ nhiệm một tổng thống dân sự tạm quyền và một thủ tướng. Dù chính quyền quân sự Mali cam kết sớm tiến hành tổng tuyển cử, song ECOWAS vẫn áp dụng các lệnh trừng phạt, yêu cầu Mali phải tổ chức bầu cử trong vòng 12 tháng. 

Với quyết định lựa chọn một cựu sĩ quan cấp cao làm tổng thống lâm thời trong giai đoạn chuyển tiếp, chính quyền quân sự ở Mali dù chưa đáp ứng yêu cầu của ECOWAS, song bước chuyển này cho thấy lực lượng nắm quyền cũng mong muốn chấm dứt tình trạng bất ổn hiện nay, hướng tới một cuộc tổng tuyển cử dành cho tất cả phe phái.