Áp lực an ninh tại Sri Lanka

Ngày 21-4 vừa qua, loạt vụ đánh bom liều chết đã làm rung chuyển đất nước Sri Lanka khi khiến hơn 250 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Sau các cuộc điều tra của giới chức nước này, thông tin về những thủ phạm dần được hé lộ.

Hiện trường một vụ đánh bom tại Sri Lanka. Ảnh: TNS
Hiện trường một vụ đánh bom tại Sri Lanka. Ảnh: TNS

Vào đúng ngày Lễ Phục sinh, loạt vụ đánh bom vào các nhà thờ Công giáo và khách sạn hạng sang đã bất ngờ xảy ra ở Thủ đô Colombo (Sri Lanka). Trong quá trình điều tra, cảnh sát Sri Lanka đã bắt 60 đối tượng liên quan, xác định có chín kẻ đánh bom tự sát và nhận diện được tám tên. Ngay sau khi danh tính của thủ phạm được công bố, dư luận thế giới không khỏi ngỡ ngàng khi hầu hết những kẻ này đều xuất thân từ tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Đặc biệt, hai trong số đó là những doanh nhân nổi tiếng hàng đầu Sri Lanka.

Theo Reuters, hai anh em Inshaf Ibrahim (33 tuổi) và Ilham Ibrahim (31 tuổi) là con trai của ông Yoonus Ilbrahim, một triệu phú buôn gia vị tại Colombo. Trong khi Ilham cùng vợ và ba con sống cùng vợ chồng ông Yoonus và họ hàng trong một khu dân cư cao cấp ở Colombo thì Inshaf cùng vợ và bốn con sống trong biệt thự có giá trị hơn 1,9 triệu USD tại một trong những khu phố đắt đỏ nhất Colombo. Hai kẻ này đều tham gia hoạt động kinh doanh gia vị cùng ông Yoonus và đều là những doanh nhân thành đạt.

Trong khi Ilham từng công khai bày tỏ tư tưởng cực đoan và đã tham gia các cuộc họp của nhóm Hồi giáo địa phương National Thowheed Jamath (NTJ), thì Inshaf trong mắt mọi người chung quanh là người điềm tĩnh, tốt bụng và rộng rãi với nhân viên, cũng như hào phóng giúp đỡ các gia đình khó khăn tại địa phương.

Trước khi gây ra vụ nổ tại khách sạn Cinnamon, Inshaf nói với vợ rằng y sẽ đi công tác tại Zambia và dặn dò cô “phải mạnh mẽ”. Vợ Inshaf cho biết, cô thấy lạ vì lời dặn của chồng song không nghĩ ngợi gì nhiều vì từ trước tới nay Inshaf không hề có biểu hiện bất thường. Y cũng chưa từng nhắc tới tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và cũng không bày tỏ quan điểm cực đoan. Ngoài hai anh em nhà Ibrahim, một kẻ đánh bom khác cũng được tiết lộ là từng du học ở Anh và sau đó nghiên cứu tại Australia trước khi trở về Sri Lanka.

Ngày 26-4, AFP dẫn lời Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena cho biết, một phần tử cực đoan Hồi giáo được cho là đóng vai trò chủ chốt trong loạt vụ tiến công đã chết trong vụ đánh bom liều chết tại khách sạn Shangri-La ở Colombo. Hashim là thủ lĩnh nhóm NTJ, đã xuất hiện trong một đoạn video do IS công bố khi thừa nhận tiến hành loạt vụ tiến công trên.

Tuy nhiên, các nhà chức trách tại Colombo phủ nhận thông tin trên, đồng thời quy trách nhiệm vụ việc cho NTJ, song cho biết vẫn đang điều tra thêm xem nhóm này có nhận được sự hỗ trợ quốc tế không. Hiện một cuộc điều tra phối hợp quốc tế đang được tiến hành ở Sri Lanka với sự tham gia của sáu cơ quan cảnh sát nước ngoài, trong đó có Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).

Theo The New York Times, xuất thân giàu có của một số kẻ đánh bom liều chết vừa qua đã cho thấy nhận định rằng đói nghèo là yếu tố duy nhất khiến con người trở nên cực đoan là chưa chính xác. Bà Joana Cook, một nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu cấp tiến quốc tế nhận định, thực tế đã cho thấy dù đói nghèo là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến các hoạt động khủng bố, song vẫn còn nhiều yếu tố khác gây ra điều này, chẳng hạn như ý thức hệ hay khác biệt tôn giáo.

Điều đáng nói, trong vụ việc vừa qua, cơ quan cảnh sát nước này đã nhận được thông tin cảnh báo về khả năng xảy ra các vụ đánh bom liều chết nhằm vào các nhà thờ lớn tại Sri Lanka, song Thủ tướng Sri Lanka hay các bộ trưởng nước này không nhận được báo cáo. Sự lơ là trong việc bảo đảm an ninh đã khiến đất nước này phải gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề. Do đó, sau loạt vụ đánh bom, Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena cam kết “sẽ tái cấu trúc hoàn toàn” lực lượng cảnh sát nhằm thắt chặt an ninh tại quốc gia này.