Anh chống phân biệt chủng tộc

Ngày 15-6 vừa qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sẽ thành lập Ủy ban Chống phân biệt chủng tộc. Mục đích của ủy ban này là đánh giá tình trạng bất bình đẳng mà các nhóm sắc tộc thiểu số và người da mầu tại nước này phải hứng chịu trong xã hội.

Cảnh sát Anh ngăn chặn tuần hành gần Văn phòng Thủ tướng Anh. Ảnh: REUTERS
Cảnh sát Anh ngăn chặn tuần hành gần Văn phòng Thủ tướng Anh. Ảnh: REUTERS

Theo The Guardian, trước phản ứng mạnh mẽ của hàng chục nghìn người tham gia biểu tình ở Thủ đô London và các thành phố khác ở Anh thời gian qua, Thủ tướng Johnson đã quyết định thành lập một ủy ban nhằm xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc. Theo đó, ủy ban này sẽ nghiên cứu và đề xuất các biện pháp nhằm bảo vệ các nhóm sắc tộc thiểu số và người da mầu, cũng như đánh giá tất cả khía cạnh bất bình đẳng trong cuộc sống như hệ thống giáo dục, y tế, tư pháp... mà những nhóm này phải đối mặt thời gian qua. Thủ tướng Anh cho biết, chính phủ nước này “cần phải làm nhiều hơn nữa” để giải quyết vấn đề nhức nhối tồn tại từ lâu trong xã hội.

Thủ tướng Johnson chưa nêu cụ thể chi tiết về ủy ban mới, như thành phần, nhiệm vụ cũng như các kế hoạch hành động của ủy ban này. Tuy nhiên, ông tiết lộ Ủy ban Chống phân biệt chủng tộc sẽ bao gồm các thành viên độc lập và hoạt động dưới sự giám sát của Bộ trưởng phụ trách Bình đẳng Kemi Badenoch. Ủy ban sẽ tổ chức những phiên họp công khai và sau đó đề xuất các dự luật nhằm bảo vệ nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc.

Trước đó, ông David Lammy, nghị sĩ thuộc Công đảng Anh, cũng là một người da mầu, đã chỉ trích chính phủ không có những biện pháp bảo vệ người da mầu, vốn là nạn nhân chính của phân biệt chủng tộc. Dù vậy, sau khi thông tin về việc thành lập một ủy ban nhằm giải quyết tình trạng trên của Thủ tướng Anh được công bố, ông Lammy cho biết: “Thời gian để xem xét đã hết và giờ là lúc để hành động. Chính phủ cần có hành động, chiến lược cụ thể chứ không phải thành lập thêm một ủy ban nữa”. Trong khi đó, nhiều nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ bày tỏ quan điểm đồng lòng với quyết định của ông Johnson, cho rằng ủy ban mới sẽ góp phần mạnh mẽ vào việc chống phân biệt chủng tộc.

Dù lên tiếng ủng hộ chiến dịch “Black Lives Matter” (tạm dịch là “Quyền được sống của người da mầu”), song Thủ tướng Anh cũng lên án hành vi của những phần tử quá khích, chống đối lực lượng cảnh sát, gây bất ổn xã hội Anh trong tuần qua. Lực lượng chức năng London cũng lên án hành vi bạo lực “thiếu suy nghĩ và kinh hoàng” của những người biểu tình cực đoan chống đối cảnh sát tại trung tâm thành phố ngày 13-6. Sở Cảnh sát London thông báo đã bắt giữ 113 người biểu tình với các cáo buộc gây bạo động, tiến công cảnh sát, tàng trữ vũ khí, gây mất trật tự công cộng... Cảnh sát London cho rằng hành vi của những đối tượng quá khích là “hoàn toàn không thể chấp nhận” và sẽ sớm bị đưa ra xét xử.

Theo BBC, những cuộc tuần hành nhằm phản đối nạn phân biệt chủng tộc bắt đầu nổ ra tại Mỹ và lan ra nhiều nước trên thế giới sau khi George Floyd, một người đàn ông da mầu bị cảnh sát thành phố Minneapolis (Mỹ) ghì cổ dẫn đến tử vong. Hầu hết các cuộc tuần hành đều diễn ra ôn hòa nhằm phản đối bạo lực của cảnh sát và đòi bình đẳng cho người da mầu, song một số kẻ quá khích đã lợi dụng cơ hội này để cướp bóc và gây bạo loạn.

Tại Anh, phong trào này trở nên căng thẳng khi trong tuần qua những người biểu tình đòi dỡ bỏ tượng, đài tưởng niệm của các nhân vật liên quan buôn bán nô lệ trong lịch sử. Trong khi đó, nhiều người khác đã tập trung tại khu quảng trường đối diện tòa nhà Quốc hội và tòa nhà chính phủ ở Thủ đô London để phản đối việc dỡ bỏ này. Các cuộc đụng độ đã nhanh chóng trở thành bạo lực, khiến hơn 20 cảnh sát bị thương. Cảnh sát Anh sau đó tăng cường biện pháp bảo vệ như dựng hàng rào, đặt hộp kính phủ kín những bức tượng quanh Thủ đô London để tránh nguy cơ bị phá hoại.