“Bài toán” cân bằng lợi ích của EU

Giới chức Liên hiệp châu Âu (EU) đang rục rịch thảo luận về lộ trình dần mở lại biên giới theo đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC), khi mùa hè đang tới cùng những tin tức tích cực hơn về dịch Covid-19. Tuy nhiên, hiện khối này vẫn bộc lộ nhiều bất đồng chung quanh cách thức mở cửa giữa các thành viên.

Việc mở cửa trở lại biên giới đang gây tranh cãi giữa các nước EU. Ảnh: REUTERS
Việc mở cửa trở lại biên giới đang gây tranh cãi giữa các nước EU. Ảnh: REUTERS

Vừa qua, hội nghị trực tuyến của các Bộ trưởng Du lịch EU đã diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có những chuyển biến tích cực. Theo EC, tình hình hiện nay đang tạo động lực để thảo luận về việc mở cửa trở lại biên giới và khôi phục ngành du lịch sau thời gian dài chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề. EC cũng đưa ra một gói đề xuất cho phép nối lại việc đi lại tự do an toàn trong EU.

Theo đó, EC đề nghị các quốc gia thuộc Khối Schengen (khu vực tự do đi lại giữa 26 quốc gia châu Âu, trong đó có 22 nước là thành viên EU) dần mở cửa lại biên giới với sự phối hợp cao, đồng thời tôn trọng các tiêu chí chung dựa trên hướng dẫn của Trung tâm Phòng chống dịch bệnh châu Âu. Qua đó, khu vực Schengen sẽ từng bước dỡ bỏ những hạn chế đi lại đã áp dụng trong thời gian dịch bệnh, có thể bắt đầu giữa các khu vực hoặc những quốc gia có mức độ dịch bệnh tương tự nhau. Mục tiêu là “mở cửa trở lại tất cả các biên giới trên khắp EU” nhằm cho phép khôi phục du lịch an toàn, phù hợp tình hình dịch tễ và quyết định của các quốc gia thành viên.

Do dịch bệnh bùng phát, EU đã phải áp dụng lệnh cấm đi lại kể từ tháng 3 vừa qua, chỉ có nhân viên y tế và những người có chứng nhận đi lại cấp thiết mới được phép vào khu vực Schengen. Đến nay, các đường biên giới ngoài EU sẽ tiếp tục đóng cửa ít nhất đến tháng 6, còn kế hoạch mở cửa biên giới nội bộ EU và cho phép tự do đi lại trong khối vẫn đang được tranh luận với các luồng ý kiến khác biệt. EC mong muốn mở lại các đường biên nội khối “một cách không phân biệt đối xử” vào khoảng giữa tháng 6 tới. Mặc dù vậy, đến nay, một số quốc gia đã đạt được các thỏa thuận song phương hoặc đơn phương tuyên bố mở cửa biên giới và sân bay từ đầu tháng 6.

Nhất trí rằng cần áp dụng các biện pháp để “giải cứu” du lịch trong mùa hè này, song nhiều chính khách lo ngại “lục địa già” không nên mạo hiểm trước những rủi ro có thể xảy ra khi mở cửa trở lại biên giới sau giai đoạn phong tỏa. Bộ trưởng Du lịch Croatia, ông Gari Capelli cho rằng, các nước EU cần mở lại biên giới một cách có trách nhiệm bằng cách ký các thỏa thuận song phương, nhất là giữa các nước có cùng cấp độ dịch bệnh, để bảo đảm dịch không bùng phát trở lại. Những nước có diễn biến dịch nguy hiểm thì cần thận trọng hơn và nên mở lại biên giới sau các nước khác.

Trước thềm cuộc họp, nhiều quốc gia thành viên cũng đã xúc tiến hàng loạt thỏa thuận song phương, như Áo và Đức có kế hoạch mở lại hoàn toàn biên giới vào ngày 15-6, với kỳ vọng vực dậy ngành du lịch của hai nước. Thụy Sĩ cũng dự kiến mở lại hoàn toàn biên giới cho tất cả các nước láng giềng, trừ Italia, vào ngày 15-6 trong điều kiện dịch tễ cho phép. Hy Lạp dự kiến nối lại các chuyến bay đến từ ngày 1-7, cho phép khách sạn, nhà hàng hoạt động trở lại từ ngày 15-6 tới.

Tuy nhiên, những động thái trên lại vấp phải chỉ trích là phá vỡ các nguyên tắc tự do đi lại trước đây trong Schengen. Giới chức Italia phản đối các hiệp ước biên giới riêng lẻ giữa các quốc gia EU, cho rằng những thỏa thuận như vậy sẽ “hủy hoại” tính thống nhất của EU. Thủ tướng Italia Giuseppe Conte từng phát biểu ý kiến cho rằng: “Chúng tôi sẽ không chấp nhận các hiệp định song phương có thể tạo ra các kênh du lịch đặc quyền trong EU”, đồng thời cảnh báo sẽ rời khỏi EU nếu điều này xảy ra.

Sau thời gian dài chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh, phục hồi và phát triển ngành du lịch là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của giới lãnh đạo EU. Tuy nhiên, các thành viên trong “mái nhà chung” EU cần tìm ra lời giải cho “bài toán” cân bằng giữa mục tiêu chung và lợi ích riêng của mỗi quốc gia đối với việc phục hồi du lịch sau đại dịch.