Thúc đẩy sáng kiến hợp tác vì hòa bình

Tại các cuộc tiếp xúc với Đoàn Hội đồng chống bom nguyên tử và khinh khí (bom A&H) của Nhật Bản (Gensuikyo) trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Đoàn tại Việt Nam mới đây, phía Việt Nam nhấn mạnh, tiếp tục đấu tranh vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân, đồng thời ủng hộ các sáng kiến của Gensuikyo vì một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.

Đại diện Gensuikyo và VUFO trao đổi ý kiến về sáng kiến hòa bình.
Đại diện Gensuikyo và VUFO trao đổi ý kiến về sáng kiến hòa bình.

Hơn 60 năm trước, Gensuikyo được thành lập, trong bối cảnh các cuộc tuần hành trên khắp Nhật Bản nổ ra nhằm phản đối vụ thử bom khinh khí tại một hòn đảo san hô ở miền trung Thái Bình Dương năm 1954, chín năm sau khi hai quả bom nguyên tử được ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau khi ra đời, ngoài việc tổ chức Hội nghị thế giới chống bom A&H hằng năm, Gensuikyo cũng triển khai nhiều hoạt động như tuần hành vì hòa bình, những chiến dịch thu thập chữ ký tại các quốc gia chống chiến tranh hạt nhân, hỗ trợ và đồng hành cùng nạn nhân bom nguyên tử…

Người dân Nhật Bản hiểu rõ hơn ai hết nỗi đau phải hứng chịu hậu quả từ bom nguyên tử và chiến tranh, cũng như những khó khăn để vực dậy sau bom đạn. Tại cuộc gặp với lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO), các thành viên Gensuikyo, những người từng tham gia nhiều hoạt động phản đối chiến tranh Việt Nam những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, bày tỏ xúc động về những thay đổi diệu kỳ của “đất nước hình chữ S”. Bà Tamiko Nishimoto, một nạn nhân của bom nguyên tử cho biết, bản thân hoàn toàn thấu hiểu những khó khăn mà gia đình các nạn nhân chiến tranh ở Việt Nam đang phải gánh chịu. Với nỗi đau về cả tinh thần và thể xác, họ rất cần sự hỗ trợ từ cộng đồng và thế giới.

Làm việc với Gensuikyo, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Nguyễn Văn Huỳnh nhấn mạnh, trong bối cảnh hiểm họa từ vũ khí hạt nhân còn hiện hữu, mục tiêu chung của cả hai bên là cùng nhau đoàn kết vì hòa bình, công lý, đấu tranh chống vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt. Việt Nam sẽ tiếp tục đấu tranh vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân và vì công lý cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Đáp lại, ông Hiroshi Taka, đại diện của Gensuikyo bày tỏ hy vọng, là thành viên tích cực và là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ đóng góp cho sự phát triển hòa bình thế giới. Lãnh đạo Gensuikyo cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia thành viên LHQ phê chuẩn Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân sớm nhất.

Đến Việt Nam lần này, đoàn Nhật Bản không chỉ kêu gọi người dân Việt Nam tiếp tục ủng hộ các sáng kiến thúc đẩy cấm và xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, các chiến dịch thu thập chữ ký, Hội nghị thế giới chống bom A&H, tuần hành vì hòa bình… mà còn nhằm kết nối để triển khai các dự án nhân đạo thiết thực và cụ thể trong thời gian tới. Chia sẻ với Thời Nay, ông Hiroshi Taka khẳng định, Gensuikyo sẽ tận dụng cơ hội lần này để tích cực trao đổi ý kiến, gặp gỡ với các tổ chức và người dân Việt Nam nhằm thảo luận về những hoạt động hỗ trợ nạn nhân chiến tranh ở Việt Nam. “Gensuikyo mong muốn được lắng nghe nhiều hơn những nguyện vọng từ nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam”, ông Hiroshi Taka cho biết.

Trong lịch trình làm việc với các cấp từ trung ương đến địa phương ở Việt Nam, Gensuikyo đến thăm Trung tâm nạn nhân chất độc da cam, các di tích lịch sử, bảo tàng… và giao lưu với sinh viên Việt Nam. Giáo dục cho thế hệ trẻ hai nước về những hậu quả của chiến tranh, trao đổi ý kiến về kinh nghiệm tổ chức các chương trình xã hội nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của hòa bình là những nội dung mà đại diện hai bên ưu tiên triển khai. Đại diện Hội Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam tỉnh Nara (Nhật Bản) hy vọng, số lượng hàng trăm nghìn người Việt Nam đang lao động và học tập tại Nhật Bản hiện nay sẽ là “nguồn lực giá trị” hỗ trợ thúc đẩy các dự án hợp tác và ủng hộ sáng kiến hòa bình của hai quốc gia thời gian tới.