Thúc đẩy hợp tác về vũ trụ

Ngày 11-6 vừa qua, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm về tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong lĩnh vực vũ trụ, do thiếu tướng Charles Frank Bolden Jr - Đặc phái viên về khoa học vũ trụ Mỹ, chủ trì. Trong bài thuyết trình của mình, ông Bolden đã nói về tầm quan trọng của hợp tác quốc tế về vũ trụ cũng như kinh nghiệm nâng cao trình độ chuyên môn trong lĩnh vực này qua nhiều thế hệ.

Ông Bolden trò chuyện với các bạn trẻ Việt Nam về khoa học vũ trụ.
Ông Bolden trò chuyện với các bạn trẻ Việt Nam về khoa học vũ trụ.

Thiếu tướng Charles Frank Bolden Jr (73 tuổi), từng được cựu Tổng thống Barack Obama đề cử và được Thượng viện Mỹ phê chuẩn làm Giám đốc thứ 12 của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), giai đoạn 2009-2017. Trong quá trình điều hành NASA, ông Bolden chịu trách nhiệm giám sát quá trình chuyển đổi an toàn từ 30 năm thực hiện Sứ mệnh tàu con thoi sang kỷ nguyên khám phá mới, tập trung tận dụng tối đa Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), đồng thời phát triển công nghệ hàng không và vũ trụ. Các hoạt động khoa học của NASA dưới sự lãnh đạo của ông Bolden bao gồm cuộc đổ bộ lên sao Hỏa bằng tàu Curiosity, phóng tàu vũ trụ tới sao Mộc và sự ra mắt năm 2018 của kính viễn vọng không gian James Webb (JWST), thế hệ sau của kính viễn vọng không gian Hubble…

Theo ông Bolden, bốn trọng tâm nghiên cứu hiện tại của NASA là vật lý thiên văn, thiên văn học, khoa học về sự sống và khoa học Trái đất. Trong đó, vật lý thiên văn giúp con người tìm đáp án những câu hỏi như liệu có nền văn minh nào khác ngoài vũ trụ, hoặc tìm kiếm những hành tinh có điều kiện tương tự Trái đất. Ở lĩnh vực thiên văn học tập trung chủ yếu nghiên cứu các hành tinh trong hệ mặt trời. Ông Bolden cho biết, NASA đang phát triển dự án “Hành trình tới sao Hỏa” nhằm đưa con người tới khám phá, thậm chí định cư tại “hành tinh đỏ” vào năm 2030. Để phục vụ những mục tiêu này, công tác nghiên cứu khoa học về khả năng thích nghi của con người đang được các phi hành gia tiến hành trên Trạm vũ trụ quốc tế ISS.

Bên cạnh việc khám phá các hành tinh và vũ trụ, NASA cũng hết sức chú trọng việc tận dụng khả năng của trạm ISS, cũng như công nghệ hàng không vũ trụ để nghiên cứu Trái đất. Trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu lan rộng, các nghiên cứu từ ngoài không gian của NASA đã và đang cung cấp nhiều thông tin quan trọng về bầu khí quyển, hoạt động thời tiết cũng như ảnh hưởng của việc nóng lên toàn cầu đối với các quốc gia. Theo dữ liệu của NASA, nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái đất đã tăng khoảng 0,9 độ C kể từ cuối thế kỷ 19. Sự thay đổi này chủ yếu do tăng lượng khí thải CO2 vào khí quyển.

Để đạt được những thành tựu này, ông Bolden nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế về vũ trụ giữa NASA và các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trả lời Thời Nay về kế hoạch hợp tác giữa NASA và Việt Nam trong thời gian tới, ông Bolden cho biết: “Năm 2015, chúng tôi đã đạt được một số thỏa thuận hợp tác với Việt Nam, như Chương trình học tập và quan sát toàn cầu (GLOBE) với Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam (VAST) để trao đổi dữ liệu vệ tinh quan sát Trái đất; xác định vị trí cho hệ thống trắc địa không gian và hệ thống vệ tinh thám hiểm toàn cầu; nghiên cứu các ứng dụng của khoa học Trái đất vì lợi ích con người; vấn đề phát triển nhân lực trong nghiên cứu viễn thám, ứng dụng công nghệ vệ tinh ở Việt Nam và các hoạt động giáo dục về khoa học vũ trụ”.

Trong buổi tọa đàm, ông Bolden đặc biệt ấn tượng trước số lượng đông đảo các bạn trẻ Việt Nam tới tham gia, thể hiện sự quan tâm tới khoa học vũ trụ. Khi được hỏi về kinh nghiệm của NASA trong công tác đào tạo chuyên môn cũng như duy trì mối quan tâm của giới trẻ đối với lĩnh vực này, ông Bolden khẳng định: “Điểm quan trọng nhất trong chính sách đào tạo nguồn nhân lực trẻ của NASA là chú trọng vào truyền thông và mạng xã hội. Tận dụng khả năng của các nền tảng này, NASA đã tiếp cận và truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên ở nhiều độ tuổi, giúp các em hiểu rõ tính ứng dụng, gần gũi của khoa học vũ trụ”.