Nhân tố quan trọng trong sự phát triển ASEAN

Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8-8-1967, đến nay phát triển thành một tổ chức hợp tác toàn diện, chặt chẽ gồm 10 quốc gia thành viên và chính thức trở thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31-12-2015. Trong chặng đường phát triển 50 năm lịch sử của ASEAN, Việt Nam ghi một dấu ấn quan trọng.

Các doanh nghiệp Việt Nam đóng góp nhiều công sức vào sự phát triển của ASEAN. Ảnh: NGUYỄN NAM
Các doanh nghiệp Việt Nam đóng góp nhiều công sức vào sự phát triển của ASEAN. Ảnh: NGUYỄN NAM

ASEAN-10 và Cộng đồng ASEAN

Bộ trưởng Ngoại giao năm nước Đông - Nam Á là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái-lan và Singapore ký Tuyên bố Bangkok vào ngày 8-8-1967, thành lập ASEAN. Năm 1984, Brunei gia nhập Hiệp hội. Năm 1995, Việt Nam chính thức tham gia ASEAN, trở thành thành viên thứ bảy của Hiệp hội.

Là thành viên muộn của ASEAN, nhưng từ khi gia nhập tổ chức khu vực này, Việt Nam đã ngày càng trưởng thành, chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của ASEAN với tinh thần trách nhiệm, được các nước đánh giá cao. Việt Nam đã cùng các nước tích cực thúc đẩy việc kết nạp Lào và Myanmar (năm 1997), rồi Campuchia (năm 1999), hiện thực hóa giấc mơ về một ASEAN bao gồm cả mười nước Đông - Nam Á. ASEAN-10 đã mở ra một chương mới cho khu vực và tạo nền tảng thiết yếu cho ASEAN trở thành một tổ chức khu vực toàn diện, liên kết sâu rộng, có vai trò quan trọng ở Đông - Nam Á và Đông Á như ngày nay.

Năm 2015 đánh dấu bước ngoặt mới trong lịch sử phát triển của ASEAN với việc hình thành Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Kể từ khi khởi xướng ý tưởng xây dựng Cộng đồng ASEAN, Việt Nam là nước thành viên đạt tỷ lệ hoàn tất lộ trình xây dựng Cộng đồng ở mức cao, mặc dù nguồn lực còn hạn chế.

Trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, Việt Nam đã tham gia xây dựng, ký kết, phê chuẩn và triển khai Hiến chương ASEAN - công cụ pháp lý và thể chế quan trọng để hỗ trợ ASEAN thực hiện mục tiêu đã đề ra. Những bước tiến trong xây dựng Cộng đồng ASEAN hơn một năm qua cũng có sự đóng góp đáng kể của Việt Nam, thể hiện trong hầu hết các hoạt động hợp tác ASEAN, nhất là góp phần quan trọng vào việc sớm triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025.

Hội nhập ngày càng sâu rộng, vững chắc

Trong suốt 22 năm gia nhập ASEAN, kinh tế Việt Nam đã từng bước gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế ASEAN. Với tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm trong thập niên qua, ASEAN đã trở thành đối tác thương mại đứng thứ hai của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với ASEAN tăng từ khoảng 19 tỷ USD năm 2006 lên 41,36 tỷ USD năm 2016. ASEAN là thị trường lớn thứ ba và là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hóa lớn thứ ba cho các doanh nghiệp Việt Nam, là nguồn cung FDI quan trọng của Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 64 tỷ USD, đồng thời là cầu nối cho nhiều khoản đầu tư của các công ty đa quốc gia có trụ sở tại ASEAN.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Maybank KimEng của Malaysia Dato John Chong nhấn mạnh, Việt Nam là địa điểm hấp dẫn thu hút nguồn vốn đầu tư nội khối ASEAN. Ông nói: “Với quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, Việt Nam đang trở thành điểm đến của các nhà đầu tư ASEAN. Họ thấy nhiều cơ hội từ thị trường mua bán, sáp nhập, cổ phần hóa các doanh nghiệp, cũng như tiềm năng trong việc đầu tư tài chính cho các dự án thuộc những lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng và cảng biển ở Việt Nam trong thời gian tới”.

Theo Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, Việt Nam có vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển của ASEAN. Kể từ khi tham gia ASEAN, Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác thương mại nội khối với các quốc gia thành viên khác, cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Với việc tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), ký Hiệp định thương mại tự do với Liên hiệp châu Âu (EU) và Liên minh kinh tế Á - Âu…, năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ tận dụng được sức mạnh tập thể của ASEAN, trong khi đó đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và ASEAN cũng sẽ mạnh mẽ hơn.

Đối với Việt Nam, việc gia nhập ASEAN cách đây 22 năm là một trong những điểm đột phá đầu tiên để triển khai phương châm đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa mà Ðại hội Ðảng lần thứ VII đã đề ra. Quyết sách đúng đắn của Ðảng và Nhà nước đã đem lại nhiều lợi ích cho đất nước trong bối cảnh lúc bấy giờ, khi Việt Nam xúc tiến công cuộc đổi mới, khắc phục hậu quả chiến tranh để hướng tới hội nhập khu vực và quốc tế.