Lạc quan về triển vọng phát triển con người

Báo cáo Phát triển con người toàn cầu năm 2020 với tiêu đề “Giới tuyến tiếp theo: Phát triển con người trong kỷ nguyên con người tác động lên khí hậu và môi trường”, do Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) công bố ngày 16-12 vừa qua, đã ghi nhận Việt Nam vào nhóm các nước có Chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức cao trên thế giới. Với kết quả quan trọng này, các chuyên gia cũng lạc quan về triển vọng HDI của Việt Nam trong những năm tới. 

Chuyên gia UNDP đánh giá Báo cáo HDI tại Việt Nam.
Chuyên gia UNDP đánh giá Báo cáo HDI tại Việt Nam.

Phát biểu ý kiến tại buổi công bố Báo cáo, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen đánh giá cao chủ trương phát triển lấy con người làm trung tâm, ưu tiên phát triển con người, thúc đẩy bình đẳng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong Báo cáo HDI năm ngoái, Việt Nam đã ở gần mức trần của nhóm các nước có chỉ số phát triển con người ở mức trung bình. Năm nay, với việc tăng một bậc, đứng thứ 117 trong số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam đã được UNDP ghi nhận vào nhóm các nước có HDI cao.

Đáng chú ý, trong 30 năm qua, kể từ khi Báo cáo HDI đầu tiên của UNDP được công bố năm 1990 đến nay, giá trị HDI của Việt Nam đã tăng gần 46%, nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới. Điểm đặc biệt là Việt Nam vào nhóm phát triển con người cao với Mức độ bất bình đẳng trong thu nhập trên các vùng miền, tầng lớp (GNI) tương đối thấp. Hệ số này của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong số các quốc gia được so sánh năm 2019. Thứ trưởng KH&ĐT Trần Quốc Phương nhấn mạnh: “Đây là thành tựu không phải quốc gia có mức thu nhập trung bình nào cũng đạt được”.

Theo ông Nguyễn Tiên Phong, chuyên gia của UNDP tại Việt Nam, Báo cáo HDI năm nay sử dụng số liệu của năm 2019 và chưa đưa vào các thành tựu đáng kể trong ứng phó đại dịch Covid-19, mà nhờ đó tăng trưởng của Việt Nam vẫn ở mức dương trong khi với nhiều nước là âm, đồng thời hàng nghìn người đã thoát khỏi nguy cơ mắc bệnh. Do đó, các chuyên gia của UNDP đều đánh giá lạc quan về HDI của Việt Nam sẽ còn tăng điểm trong năm 2021. 

Trong báo cáo năm nay, chất lượng phát triển con người ở Việt Nam cũng được UNDP ghi nhận tích cực. Theo bà Wienson, báo cáo cho thấy Việt Nam đã thực hiện tốt các chỉ số về bình đẳng giới, y tế, giáo dục, việc làm, phát triển nông thôn... Chỉ số Phát triển giới của Việt Nam đứng thứ 65/162 quốc gia và nằm trong nhóm cao nhất trên thế giới. “Đặc biệt là tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội và trong Hội đồng Nhân dân cao đã đưa Việt Nam vào nhóm có chỉ số phát triển giới cao nhất toàn cầu”, bà Wienson nhấn mạnh. Tuy vậy, bà cũng cho rằng còn nhiều thách thức về bất bình đẳng giới ở các khu vực khác, cũng như tỷ lệ việc làm với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương còn cao, khiến Việt Nam chỉ nằm ở nhóm cuối bảng khi được đánh giá về các chỉ số này.

Báo cáo HDI năm nay cũng là lần đầu UNDP đưa ra Chỉ số phát triển con người điều chỉnh về áp lực lên hành tinh (PHDI). Đây là chỉ số khi so sánh mức độ phát thải carbon và tiêu thụ nguyên liệu tính trên đầu người tại từng quốc gia, qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của các tiến bộ phát triển con người phải đi kèm với giảm thiểu áp lực với môi trường. 

Việt Nam đang ở thời điểm có tính quyết định trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tiếp theo. Các chuyên gia của UNDP nhấn mạnh rằng, thời điểm này có ý nghĩa quan trọng khi việc hoạch định không chỉ nhằm tiếp tục phát triển mà còn đi kèm yêu cầu tăng trưởng bền vững, giảm áp lực lên hành tinh, tăng cường sự hài hòa của con người và môi trường.

“Việc Việt Nam đạt được tiến bộ về HDI là một thành tựu đáng ghi nhận, tạo cơ hội cho sự phát triển tốt hơn và nhanh hơn trong giai đoạn tới. Tôi khẳng định rằng UNDP sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong hành trình xây dựng lại con đường phát triển, tôn trọng sự chung sống của con người và hành tinh”, bà Wiesen chia sẻ.