Củng cố vai trò trung tâm của ASEAN

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM-53) và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 9 đến 12-9 tại Hà Nội. Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam đã và đang cố gắng hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN, đề xuất nhiều sáng kiến, duy trì và thúc đẩy hợp tác cả trong phòng, chống dịch bệnh cũng như xây dựng Cộng đồng, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại của ASEAN và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN.

Phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53.
Phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53.

Trước thềm hội nghị, đại diện của 10 quốc gia thành viên ASEAN đã nhất trí rằng, hơn bao giờ hết, trong quan hệ với tất cả các đối tác, vai trò trung tâm của ASEAN cần được đặt lên hàng đầu, thông qua can dự tích cực, chủ động và cân bằng. Dự kiến trong đợt này sẽ có khoảng 20 hội nghị, phiên họp cấp Bộ trưởng và các hội nghị Bộ trưởng ASEAN với các đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Liên hiệp châu Âu (EU), Ấn Độ, Australia, New Zealand, Canada… Ngoài ra, các sự kiện quan trọng khác cũng diễn ra như Hội nghị Bộ trưởng ASEAN+3 lần thứ 21, Hội nghị Bộ trưởng Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 10; Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 27… 

Các cuộc họp với đối tác của ASEAN được xem là một trong những sự kiện trọng tâm lần này, nhằm trao đổi về phương hướng phát triển của các diễn đàn trong thời gian tới, như: EAS nhân kỷ niệm 15 năm hình thành, ARF với giai đoạn hợp tác và chương trình hành động mới 2020 - 2030, tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác với các đối tác theo khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, để những cơ chế này có thể phát huy tốt nhất vai trò của mình trong bối cảnh mới.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị sáng 9-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, “gắn kết và chủ động thích ứng” không chỉ đơn thuần là chủ đề của năm 2020, mà điều đó cùng với tinh thần chủ động và trách nhiệm đã trở thành “thương hiệu” của ASEAN, giúp toàn khối đoàn kết cùng vượt sóng gió, tự tin tiến lên. Thủ tướng cũng đánh giá cao các cơ quan của ASEAN đã hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người dân ổn định đời sống. Theo Thủ tướng, những sáng kiến như lập Quỹ ứng phó Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, xây dựng Quy trình chuẩn ứng phó dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi tổng thể, vừa là biện pháp vượt qua dịch bệnh, vừa là chất keo gắn kết các nước thành viên.

Trong năm Chủ tịch ASEAN, vượt qua các thách thức, khó khăn, Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hội nghị trực tuyến, bao gồm Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 trong tháng 6, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch Covid-19 tháng 4 vừa qua. Tại hội nghị lần này, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ trao đổi ý kiến về những biện pháp cụ thể triển khai chỉ đạo của Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, tiếp tục giữ vững hợp tác và liên kết khu vực để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra và định hướng phát triển lâu dài cho ASEAN cho giai đoạn tiếp theo. 

AMM-53 và các hội nghị liên quan là một trong những đợt hội nghị quan trọng nhất trong năm Chủ tịch ASEAN 2020. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội của các nước thành viên ASEAN. Trong điều kiện đó, các nước nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của hội nghị, đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam chủ động tổ chức AMM-53, tạo cơ hội để trao đổi tổng thể về quan hệ đối ngoại của ASEAN, xây dựng cách tiếp cận chung chiến lược, toàn diện và hiệu quả trong triển khai quan hệ đối ngoại của ASEAN trong tình hình hiện nay.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, hội nghị lần này với sự tham gia của 28 đoàn đến từ bốn châu lục và các múi giờ khác nhau, do đó công tác tổ chức và sắp xếp lịch cho đợt họp này là một thách thức lớn đối với nước Chủ tịch. Tuy nhiên, Việt Nam đã cố gắng thu xếp hài hòa, xử lý yêu cầu của các bên, đồng thời bảo đảm mạch hội nghị được thông suốt và tuân thủ thông lệ của ASEAN.