Vượt qua “phép thử”

Một trong những hội nghị cấp cao kéo dài nhất từ trước tới nay đã kết thúc ngày 20-7 vừa qua, với kết quả đạt được là các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) đã vượt qua những khác biệt để nhất trí về đề xuất ngân sách lớn chưa từng thấy, lên tới hơn 1.000 tỷ euro (gần 1.200 tỷ USD) cho bảy năm tới và khoản quỹ phục hồi kinh tế trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19, trị giá 750 tỷ euro. 

Biếm họa của KAMENSKY
Biếm họa của KAMENSKY

Phát biểu ý kiến tại buổi họp báo sau khi Hội nghị cấp cao EU (diễn ra từ ngày 17-7) đạt đồng thuận về kế hoạch kích thích kinh tế quy mô lớn nhằm phục hồi sau dịch Covid-19, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EUC) Charles Michel nhấn mạnh, thỏa thuận này cho thấy sức mạnh hành động của châu Âu. Còn theo đánh giá của Tổng thống Pháp E.Macron, thỏa thuận giúp khối có thể chia sẻ nguồn lực tài chính nhằm chống lại các thách thức của dịch Covid-19. Về phần mình, Thủ tướng Đức A.Merkel khẳng định thỏa thuận của EU cho thấy “lục địa già” sẵn sàng hành động ngay cả trong cuộc khủng hoảng lớn nhất.

Hai đề xuất ngân sách khổng lồ nói trên đạt được sau các cuộc thương lượng kéo dài và khó khăn, tưởng chừng có lúc lâm vào ngõ cụt, do một số quốc gia EU có chủ trương thắt chặt chi tiêu tỏ ra dè dặt về tính hiệu quả của các gói hỗ trợ. Đối với gói phục hồi 750 tỷ euro sau dịch, nhóm “bộ tứ thắt lưng buộc bụng” gồm Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch chỉ sẵn sàng chấp nhận khoản hỗ trợ tối đa là 350 tỷ euro, thậm chí là có điều kiện đi kèm. Nhằm phá vỡ thế bế tắc để tránh các cuộc đàm phán đổ vỡ, Chủ tịch Charles Michel đề xuất khoản hỗ trợ 390 tỷ USD đi kèm một số khoản tiền hoàn lại cho nhóm trên.  

Sự nhượng bộ kịp thời của giới lãnh đạo EU đã khai thông thế bế tắc và chia rẽ giữa các thành viên. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, quốc gia đi đầu trong nhóm chủ trương tiết kiệm chi tiêu, bày tỏ “rất vui khi đạt thỏa thuận”, đồng thời cho biết “không có gì không hài lòng” với văn kiện này.

Đại dịch Covid-19 đến nay đã cướp đi sinh mạng của 135 nghìn công dân châu Âu và nhấn chìm nền kinh tế EU vào cuộc suy thoái với dự báo tăng trưởng âm 8,3% trong năm nay. Vì thế, thỏa thuận đạt được tại hội nghị cấp cao lần này cho thấy các thành viên EU đã vượt qua “phép thử” về tinh thần đoàn kết và hợp lực đối phó các thách thức.