Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Mối quan hệ giữa thành viên quan trọng nhất trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Mỹ và phần còn lại của liên minh quân sự này đang “lục đục”, sau khi những quyết định đơn phương của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tại miền bắc Syria bị các thành viên NATO chỉ trích là đã làm suy yếu liên minh chống khủng bố, gây bất lợi cho NATO và vô hình trung tạo lợi thế cho Nga.

Biếm họa của SCHOT
Biếm họa của SCHOT

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO đã bế mạc ngày 25-10 vừa qua tại Brussels (Bỉ), với sự chia rẽ nghiêm trọng giữa các nước thành viên của liên minh quân sự này. Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên quan trọng của NATO, đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các nước trong liên minh sau khi đơn phương tiến hành chiến dịch quân sự tại miền bắc Syria. Trong khi đó, việc Mỹ rút quân khỏi phía bắc Syria mà không tham vấn các đồng minh đã khiến lãnh đạo một số nước NATO đặt câu hỏi về quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ lợi ích an ninh của họ, tạo khoảng trống thuận lợi cho Nga làm chủ cuộc chơi.

Theo lo ngại của Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer, việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đạt được một thỏa thuận về chấm dứt xung đột ở miền bắc Syria, qua đó trao cho Moscow quyền tuần tra các phần biên giới phía bắc Syria là khó chấp nhận. Bà Karrenbauer cho rằng, nhiệm vụ giám sát biên giới Syria không thể chỉ rơi vào tay Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, và bất cứ giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng tại phía bắc Syria cũng cần phải có sự tham gia của cộng đồng quốc tế.

Nhưng, dù có bực bội tới đâu đối với những hành động đơn phương của Washington và Ankara thì “sự cũng đã rồi”. Để vớt vát uy tín của những thành viên NATO khác cũng như giành lại thế chủ động, Bộ trưởng Quốc phòng Đức đã đề xuất thay “vùng đệm an toàn” mà Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vừa thỏa thuận bằng một hành lang an toàn do lực lượng quốc tế kiểm soát. Dù vậy, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tỏ ra thận trọng khi cho rằng kế hoạch này vẫn cần sự thông qua của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ.

Những ý kiến trái chiều trong nội bộ NATO cho thấy, rạn nứt giữa các thành viên ngày càng lộ rõ. Cách thức đối phó cuộc chiến ở Syria là minh chứng rõ nét nhất về tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” bên trong liên minh quân sự này, trong bối cảnh hơn lúc nào hết NATO cần tới sự đoàn kết để đối phó hàng loạt thách thức lớn về an ninh.